CÔNG TY ÐIỆN LỰC BÌNH ÐỊNH:
Nỗ lực giảm tổn thất điện năng
Thời gian qua, Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh đã có nhiều nỗ lực giảm tổn thất điện năng, góp phần vào kết quả chung đưa Việt Nam từ nước có tỉ lệ tổn thất điện năng cao thành trung bình trên thế giới.
Công nhân Điện lực Quy Nhơn đang thi công chen trạm chống quá tải tại trạm Kim Đồng, TP Quy Nhơn.
Liên tục giảm TTÐN
Ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định), cho biết, giảm tổn thất điện năng (TTĐN) luôn là nhiệm vụ đầy khó khăn bởi địa bàn quản lý dàn trải, kéo dài, phụ tải phân bố rải rác, cấu trúc lưới điện phức tạp không thuận lợi cho việc quản lý vận hành. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của công ty và nỗ lực cao của 9 đơn vị trực thuộc, trong 5 năm qua, tỉ lệ TTĐN của PC Bình Định liên tục giảm 0,2% - 0,3% theo từng năm và luôn đạt thấp hơn chỉ tiêu do Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) giao. Năm 2013, TTĐN là 5,85%; tính đến tháng 11.2017, con số này ước đạt 4,6%. So với các địa phương trên cả nước, Bình Định thuộc nhóm có tỉ lệ TTĐN trung bình thấp.
“PC Bình Định sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại; sắp xếp, tái cấu trúc, bố trí lại các thiết bị đóng cắt trên lưới nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng”
Theo ông Việt, để giảm TTĐN hiệu quả, cần xác định đúng nguyên nhân chủ yếu và có giải pháp phù hợp. Đối với khu vực thành thị, đặc biệt là TP Quy Nhơn, tốc độ tăng trưởng phụ tải liên tục cao trong nhiều năm qua, trung bình 12%/năm; trong khi tốc độ phát triển lưới điện không theo kịp, gây TTĐN cao tới 2,52%. Với khu vực nông thôn, nhiều dây dẫn của lưới điện hạ áp do PC Bình Định tiếp nhận từ các HTX bị mục nát, chắp vá; bán kính cấp điện quá rộng, nhánh rẽ đường dây quá dài, tiết diện nhỏ, công tơ hãm chung sứ với lưới chính dễ gây chạm chập, gây TTĐN rất lớn. Ông Trần Ngọc An, Phó Giám đốc Điện lực Quy Nhơn, cho hay, tỉ lệ TTĐN của lưới điện hạ áp nông thôn trước khi được nâng cấp, cải tạo trung bình 25% - 30%, cá biệt có nơi lên tới hơn 50%.
PC Bình Định đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ tổn thất theo cấp điện áp, có kế hoạch đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện trung áp đối với các xuất tuyến có sản lượng điện lớn, TTĐN cao. Vai trò điều hành của các nhóm giảm TTĐN tại các đơn vị điện lực tiếp tục được duy trì và nâng cao. Định kỳ hàng tháng, kết quả thực hiện giảm TTĐN của các đơn vị trực thuộc được tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo giảm TTĐN của PC Bình Định. “Đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch phải báo cáo giải trình và bị áp dụng chế tài xử phạt nghiêm” - ông Việt khẳng định.
Cần đầu tư lớn
Trong giai đoạn 2016-2020, để phục vụ tăng trưởng GRDP bình quân dự báo 8%/năm của tỉnh, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm có thể lên tới 14,2%. “Riêng TP Quy Nhơn, sản lượng điện thương phẩm năm 2017 là 394 triệu kW/h, tăng 11,7% so với năm ngoái và dự báo sẽ tăng 13%-14% vào năm sau. Trong 3-5 năm tới, lưới điện trung áp sẽ rất nóng. Nhiều trạm nguồn sẽ quá tải”, ông Trần Ngọc An nhận định.
Điều này đòi hỏi phải đầu tư rất lớn về nguồn và lưới điện để giảm tỉ lệ TTĐN của PC Bình Định theo lộ trình đến năm 2018, 2019 và 2020 lần lượt xuống còn 4,8%, 4,6% và 4,3%. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Điện xây dựng kế hoạch đầu tư với tổng số vốn dự kiến gần 2.700 tỉ đồng; trong đó, năm 2016 đã chi khoảng 300 tỉ đồng và năm 2017 dự kiến chi hết 250 tỉ đồng.
Trong đầu tư xây dựng, PC Bình Định ưu tiên công trình khai thác đấu nối sau các trạm biến áp 110kV; công trình chen trạm chống quá tải lưới điện nhằm đảm bảo cấp đủ điện cho nhu cầu phụ tải khu vực tỉnh Bình Định, đặc biệt là khu vực có sản lượng cao; ưu tiên đầu tư công trình cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận có tỉ lệ TTĐN cao.
Ngoài ra, PC Bình Định còn sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại; sắp xếp, tái cấu trúc, bố trí lại các thiết bị đóng cắt trên lưới nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm TTĐN. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện đảm bảo tình trạng vận hành tốt; kiểm tra hành lang an toàn lưới điện. Tăng cường vệ sinh cách điện đường dây và thiết bị trạm để giảm TTĐN rò trên cách điện và đảm bảo an toàn vận hành.
TỐ UYÊN