Doanh nghiệp Việt dấn sâu vào thị trường châu Âu
Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến thông qua vào đầu năm 2018. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cán cân thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Âu sẽ nghiêng về Việt Nam nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt lợi thế xuất khẩu của mình.
Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty APT.
Nông sản, dệt may, da giày sẽ thắng lớn
Phân tích về tác động của EVFTA đến nền kinh tế Việt Nam, bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia kinh tế dự án EU-Mutrap, cho biết hiện những rào cản của EU với hàng hóa Việt Nam rất nhiều. Cụ thể, thuế quan mặt hàng nông sản, thủy hải sản, một số mặt hàng công nghiệp chế tác như dệt may, da giày duy trì mức 9% - 22%. Khi EVFTA có hiệu lực, theo lộ trình 5 - 10 năm, hạn ngạch thuế suất này sẽ được xóa bỏ.
Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU dự ước đạt mức trên 40 tỷ USD vào cuối năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng trên 30 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu khoảng dưới 10 tỷ USD…
Hiện tại, Việt Nam đang có hơn 30 cơ quan có chức năng kiểm dịch (với những thủ tục còn gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp), nhưng lại thiếu cơ quan chức năng chuyên trách để giúp doanh nghiệp hoàn thiện quy trình sản xuất theo chuẩn quốc tế đặt ra.
Cán cân thương mại sẽ vẫn tiếp tục nghiêng về Việt Nam, dự báo đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EU đạt 33 tỷ USD; năm 2025 sẽ là 42 tỷ USD. Những ngành hàng được đánh giá là hưởng lợi nhiều từ EVFTA là sản phẩm nông sản, thủy hải sản, thực phẩm chế biến (như sữa, sản phẩm từ sữa, thịt gia súc, gia cầm, cá hồi, cá bơn, tôm hùm, cá da trơn, gạo, bia, rượu vang…) và cả dệt may, da giày. Một ưu thế khác, đó là khi hàng Việt vào được và tạo dựng được thương hiệu ở thị trường EU, hàng Việt Nam sẽ dễ dàng vào được nhiều thị trường khó tính khác.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương, cho biết EVFTA giúp doanh nghiệp nội dấn sâu vào thị trường EU nhờ gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng hàng hóa và tăng kết nối giao dịch với quy mô lớn hơn; tăng trình độ quản trị của các nhà cung ứng dịch vụ tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế; đa dạng hóa dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam; tiết giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp…
Những vấn đề phát sinh
Tuy nhiên, cùng với những lợi ích đạt được, EVFTA cũng gây những tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam. Cụ thể, giảm mức thu thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ EU sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu từ thuế. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018-2029, mức ảnh hưởng từ việc giảm thu thuế này được đánh giá là không nhiều, do EU chỉ chiếm 19% kim ngạch thương mại của Việt Nam.
Đến năm 2030, việc giảm thuế mới có mức độ ảnh hưởng nhất định đến ngân sách. Còn những tác động khác liên quan đến môi trường thì khá nhiều. Bởi hiện tại EU là nhà đầu tư lớn nhất ở một số thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực ASEAN (ngoại trừ Việt Nam). Do vậy, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo đường dẫn thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam. Kéo theo đó, dự báo mức tiêu thụ năng lượng sẽ ước tăng 3%, phát thải khí ô nhiễm cũng sẽ tăng.
Đáng ngại hơn chính là rào cản phi thuế quan. Cụ thể, đối với sản phẩm chăn nuôi, phải đáp ứng quyền động vật, quy trình giết mổ nhân đạo. Đối với sản phẩm thủy sản, tàu đánh cá phải đăng ký thành viên EU và Việt Nam, gắn cờ thành viên EU và đáp ứng 1 trong 2 điều kiện: Tàu có ít nhất 50% sở hữu của công dân một thành viên EU hoặc Việt Nam; Tàu thuộc sở hữu của các công ty có trụ sở ở EU hoặc Việt Nam.
Riêng đối với ngành dệt may, để đáp ứng rào cản phi thuế quan vào thị trường EU thì không dễ. Hiện quy chuẩn kỹ thuật EU rất ngặt nghèo, như tiêu chuẩn chất lượng phải đạt ISO 14001, đóng gói và ghi nhãn sản phẩm. Về quy tắc xuất xứ thì cho phép cộng gộp từ Hàn Quốc, đảm bảo xuất xứ từ vải trở đi. Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam rất khó đáp ứng điều kiện xuất xứ do tỷ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp phụ trợ kém phát triển và phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, những rủi ro từ rào cản thương mại gắn với yêu cầu khắt khe về trách nhiệm xã hội, môi trường… ngày càng nhiều.
Trong bối cảnh này, để nhanh chóng nắm bắt cơ hội và vượt qua được các rào cản, doanh nghiệp Việt cần nâng cao khả năng cạnh tranh bằng giải pháp chủ động cải tiến năng suất, quy trình sản xuất. Chính phủ Việt Nam cũng cần nâng cao hiệu quả của các chính sách thuận lợi hóa thương mại. Nhiều ý kiến lo ngại, với những quy định mới ban hành như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt của ô tô, đánh thuế cao một số mặt hàng sản phẩm sức khỏe dinh dưỡng - một trong số hàng trăm giải pháp thị trường mà Việt Nam đang và sẽ áp dụng, sẽ rất khó để EU xem xét thông qua hiệp định EVFTA.
Theo ÁI VÂN (SGGP)