GỐM KIẾN TRÚC ĐỀN THÁP CHAMPA BÌNH ÐỊNH:
Cần được nghiên cứu chuyên sâu
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang lưu giữ bộ sưu tập gốm kiến trúc đền tháp Champa có sự độc đáo, thu hút khách thăm quan. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về loại hình gốm này chỉ mới dừng ở những nhóm hiện vật đơn lẻ, chưa có sự chuyên sâu.
Bộ sưu tập đa dạng và độc đáo
Bộ sưu tập gốm kiến trúc đền tháp Champa ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, được hình thành chủ yếu qua các đợt khai quật khảo cổ học tại các di tích, phế tích tháp, thành cổ Champa như: tháp Bánh Ít (2002), Cánh Tiên (2006), Bình Lâm (2007), Dương Long (2006, 2007, 2008), tháp Mẫm (2011), Lai Nghi (2013), Rừng Cấm (2014), Thành Cha (2015,2016). Ngoài ra, một số ít hiện vật gốm trang trí kiến trúc được phát hiện qua các đợt đi điền dã, khảo sát di tích và phế tích Champa.
Bộ sưu tập này của Bảo tàng đa dạng về loại hình. Về hiện vật gốm trang trí kiến trúc tháp, gồm có: gốm trang trí điểm góc, gốm hình lá đề trang trí tháp góc, gốm hình lá nhĩ trang trí vòm cửa…Về hiện vật gốm trang trí công trình kiến trúc lợp mái: gốm trang trí bờ chân mái - đầu ngói ống, ngói âm dương, ngói mũi lá, gốm trang trí bờ xiên và nóc mái kiến trúc - trụ gốm hình con tiện, gốm trang trí góc mái- gốm sừng bò...Về phù điêu gốm trang trí kiến trúc có các hình: voi, sư tử, tu sĩ, Kala, Gajasimha...
Nhiều hiện vật rất có giá trị được trưng bày tại Bảo tàng thu hút khách thăm quan. Trong đó, có những tiêu bản đặc trưng riêng biệt, lần đầu tiên phát hiện tại Bình Định. Như tại cuộc khai quật khảo cổ học tại phế tích tháp Lai Nghi, đã phát hiện được 5 hiện vật phù điêu voi (bằng đất nung) còn nguyên, được tạo hình rất chân thật và sống động. Đây là bộ sưu tập phù điêu voi có số lượng nhiều nhất được biết đến hiện nay. Hay trong đợt khai quật tại tháp Dương Long cách đây chục năm, đã phát hiện ba tiêu bản phù điêu mặt Kala bằng đất nung, đều là dạng hiếm thấy trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Càng đặc biệt hơn, các phù điêu Kala này được tìm thấy trong một quần thể kiến trúc tháp mà rất nhiều vật liệu trang trí kiến trúc hầu hết đều bằng đá.
Từ phát hiện thêm nhiều loại hình gốm kiến trúc đền tháp Champa trong những cuộc khai quật khảo cổ học những năm qua, đã đem đến những phát hiện mới, có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu kiến trúc đền tháp Champa.
Cụ thể, qua hai cuộc khai quật khảo cổ học di tích Thành Cha, PGS.TS Lại Văn Tới, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành, nhận xét: “Căn cứ vào di vật, đặc biệt là ngói ống có phần đầu trang trí mặt người, sư tử hoặc mặt quỷ, giống với di vật đồng loại được phát hiện ở di tích Trà Kiệu - Quảng Nam, Thành Cổ Lũy - Phú Thọ, Thành Hồ - Phú Yên, chúng tôi cho rằng tại Thành Cha có thể đã tồn tại kiến trúc đền thờ ở giai đoạn đầu, khi khu vực này còn là thủ phủ của châu Vijaya (thế kỷ IV - VI), rồi đến giai đoạn đầu hình thành kiến trúc tháp gạch quy mô nhỏ, dáng thấp lùn (khoảng thế kỷ VII - IX) khi Thành Cha là kinh đô thời kỳ đầu lúc nhà nước Champa dời từ Indrapura Quảng Nam vào Vijaya Bình Định…”.
“Số lượng hiện vật gốm kiến trúc đền tháp Champa đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh còn chưa tương xứng với nhiều di tích, phế tích đền tháp Champa trên địa bàn tỉnh. Mong rằng các nhà khảo cổ học, các cấp ngành quan tâm hơn nữa đến các chương trình điều tra, khảo sát, khai quật khảo cổ học ở các di tích, phế tích đền tháp Champa trên địa bàn tỉnh đang chờ được khám phá….Qua đó, thu được thêm nhiều hiện vật giá trị hơn nữa”.
Ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Tổng hợp tỉnh
Nhằm phục vụ Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Định – Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ XI - XV)” nói riêng, công tác nghiên cứu văn hóa Champa tại Bình Định nói chung, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã chỉ đạo các cán bộ chuyên môn “đồng tâm hợp lực” trong nhiều tháng cùng biên soạn tập sách (xuất bản quý IV.2017) giới thiệu về 20 loại hình hiện vật gốm trang trí kiến trúc, gồm trên 100 tiêu bản hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng.
Theo nhìn nhận của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, gốm trang trí kiến trúc đền tháp Champa Bình Định giữ một vị trí, vai trò nhất định đối với công tác nghiên cứu kiến trúc đền tháp Champa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu chuyên sâu, mà chỉ dừng lại ở mức độ nhận định những nhóm hiện vật đơn lẻ.
HOÀI THU