Mùa lũ lụt: Xin chớ chủ quan
Hầu như trận lũ nào trên địa bàn tỉnh cũng có người chết, mất tích mà nguyên nhân chính là do chủ quan, lơ là khi nước lũ dâng cao, chảy xiết...
Sáng 4.12, nước lũ trên các sông trong tỉnh lại tiếp tục dâng cao, sau những ngày mưa lớn liên tiếp. Nhiều tuyến đường giao thông, khu dân cư ở vùng hạ lưu ở các xã khu Đông của các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và TX An Nhơn đang bị ngập sâu, chia cắt. Trong lúc nước lũ đang lên, nước chảy mạnh thì vẫn còn không ít người tỏ ra chủ quan.
Đừng đùa với lũ
Cứ vào mùa lũ, không ít trẻ em, học sinh ở các xã khu Đông huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát… thường sử dụng sõng để đi lại trong lũ hoặc dùng ruột xe hơi, kết bè chuối để nghịch nước diễn ra khá phổ biến. Cá biệt, có trẻ thích “cảm giác mạnh” đưa sõng hoặc ruột xe hơi ra đồng hoặc khu vực mênh mông nước để tiện bề di chuyển. Nhìn các em nghịch lũ, người đi đường không khỏi lo sợ. Trong khi đó, người nhà lại chủ quan khi vô tư để các em đùa giỡn với lũ.
Không chỉ trẻ em, người lớn cũng thích “đùa với tử thần” giữa dòng lũ dữ. Hiện nay, nhiều khu vực tràn nằm trên các tuyến ĐT 636, ĐT 640 (qua huyện Tuy Phước, Phù Cát) và một số tràn dọc các tuyến đường liên thôn, xã đã bị ngập sâu, chia cắt giao thông. Để đi lại qua các khu vực này, ngoài xe lôi, máy cày, xe ben thì người dân còn sử dụng sõng. Đáng ngại, không chỉ chở người, người dân còn chở cả xe máy. Sõng quá tải, chòng chành giữa dòng nước chảy mạnh, song cả chủ lẫn người đi đều không mặc áo phao.
Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có 7 người chết, 5 người mất tích. Trong đó có những trường hợp bị đuối nước bắt nguồn từ sự chủ quan, bất cẩn của người dân trong mùa lũ. Trường hợp bà H.T.G.E (SN 1975, ở phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) chết do bị lật sõng trong nước lũ vào ngày 8.11. Trước đó, ngày 1.11, cháu N.T.T (7 tuổi, ở thôn Tân Kiều, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) cũng bị nước lũ cuốn trong lúc thả thuyền giấy ở cầu Khánh Mỹ (xã Nhơn Mỹ)…
Chủ động cảnh báo
Sáng 4.12, ông Tô Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Nhơn Thành (TX An Nhơn), cho biết: “3 thôn Vạn Thuận, Lý Tây và Phú Thành đang bị nước lũ chia cắt. Tràn từ khu vực Lý Tây đi khu vực Lý Thuận, tràn Bờ Mọ ở thôn An Lợi đang bị ngập sâu trong lũ. Đối với khu vực này, phường đã lập chốt rào chắn không cho người và phương tiện đi lại. Đài truyền thanh phường liên tục phát đi thông báo về diễn biến mưa lũ; đồng thời, thông tin các phụ huynh cần quan tâm không để trẻ em nghịch nước hoặc đi lại vùng nguy hiểm. Các thầy, cô đã chủ động gọi cho phụ huynh quan tâm quản lý con em trong thời gian nghỉ học do mưa lũ”.
Tương tự, ông Đoàn Văn Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Quang (huyện Tuy Phước), cũng cho hay: Hầu hết, các thôn trên địa bàn đã bị nước lũ bủa vây. Một số khu vực tràn đi qua thôn Quảng Điền, Lộc Ngãi hay khu giáp giới giữa thôn Định Thiện Đông và Văn Quang nước lũ đang chảy rất xiết. Để cảnh báo phương tiện, xã đã lập các chốt chặn cấm xe, người qua lại. Đồng thời, lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ xã thường đi tuần lưu nhằm phát hiện, nhắc nhở các trường hợp trẻ em sử dụng sõng hoặc bè chuối để nghịch nước.
“Tuy vậy, vẫn còn số ít người dân chủ quan, xã đã yêu cầu các thôn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và nhắc nhở họ quan tâm, theo dõi không để trẻ ra vùng nước ngập, hoặc đi lại trong khu vực nguy hiểm”, ông Điệp nói.
Để chủ động đối phó với đợt lũ mới, ngày 3.12, Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn đã ký văn bản gửi Trưởng Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các trường THPT và trực thuộc, yêu cầu tất cả các trường mầm non, phổ thông đóng trên địa bàn các huyện, thị xã và ngoại thành TP Quy Nhơn được nghỉ học trong ngày 4.12, tùy tình hình thực tế ở các địa phương sẽ cho nghỉ học những ngày tiếp theo nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh và giáo viên.
Theo các cơ quan chức năng, để đảm bảo an toàn tính mạng của mọi người trong mưa lũ thì phương châm “tự quản tại chỗ” là hiệu quả nhất. Yêu cầu đặt ra của phương châm là chính quyền địa phương, trưởng thôn, tổ dân phố... phải quản lý, bảo vệ người dân; cha mẹ quản lý, bảo vệ con cái; trường học, thầy cô bảo vệ học sinh; các cơ quan bảo vệ cán bộ, công nhân viên... Song song với đó, chính quyền địa phương, các ban ngành phải tăng cường tuyên truyền về sự nguy hiểm đến tính mạng trong mùa bão, lũ. Các lực lượng chức năng về tận khu dân cư, từng hộ gia đình, các vùng xung yếu để túc trực, tuần tra, ngăn chặn người dân chủ quan đi lại, đánh bắt thủy sản, vớt củi... khi nước lũ dâng cao, chảy xiết nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người trong mùa bão, lũ.
TRỌNG LỢI