Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ
* Chủ tịch UBND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG: Huy động mọi nguồn lực, đảm bảo an toàn cho người dân
(BĐ) - Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp trong những ngày qua, chiều 4.12, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đi kiểm tra tại thị trấn Tuy Phước, xã Phước Hưng (Tuy Phước), phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) và công tác ứng phó với mưa lũ tại 2 địa phương nói trên.
Tại huyện Tuy Phước, nhiều đoạn đường trên các tuyến tỉnh lộ: ĐT640, ĐT636 từ thị trấn Tuy Phước đến các xã Phước Thắng bị ngập từ 0,4 - 1 m; đê sông Gò Chàm thuộc địa bàn xã Phước Hưng vị vỡ đứt nhiều đoạn. Nước mưa và lũ từ đầu nguồn cùng thủy triều dâng cao làm cho các xã khu Đông của huyện bị ngập sâu. Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Mưa lũ đã làm ngập và cô lập 11.144 hộ dân ở các xã Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng. Nước lũ qua tràn đê sông Tri Thiện thuộc hạ lưu đập Thạnh Hòa (xã Phước Quang) gây sạt lở mặt đê với chiều dài 30 m, UBND huyện đã hỗ trợ kịp thời cho địa phương 1.000 bao cát để hàn khẩu tạm, hạn chế gây vỡ lở. Nước lũ cũng đã tràn qua và làm vỡ lở 10 m đê sông Cây Me (xã Phước Hòa) và 9 m đê sông Trường Giang (Phước Sơn). Hiện mưa lũ còn lớn, nên công tác ứng phó với mưa lũ gặp rất nhiều khó khăn.
Tại TP Quy Nhơn, có trên 7.000 hộ dân ở các phường Bùi Thị Xuân, Nhơn Bình, Nhơn Phú bị ngập nước. Tuyến đường Hùng Vương đoạn trên cầu Đôi bị ngập sâu, người dân phải thuê xe ba gác hoặc xe tải nhẹ trung chuyển qua khu vực này. Hoạt động kinh doanh, buôn bán đã bị ngưng trệ.
Hỗ trợ lương thực cho các hộ dân bị ngập lũ. Ảnh: Tiến Sỹ
Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng về diễn biến và thiệt hại do mưa lũ, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Mưa lớn làm cho lượng nước các hồ chứa tăng nhanh. Hiện 165 hồ chứa trong tỉnh đã tích nước đạt 86% tổng dung tích thiết kế, bằng 150% so với cùng kỳ năm 2016. Để bảo vệ công trình, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi đã điều tiết nước tại các hồ chứa nước lớn, trong đó điều tiết hồ Định Bình với lưu lượng 771 m3/giây, hồ Núi Một 140 m3/giây. Mực nước lũ sông Côn dao động ở mức từ báo động II đến trên báo động III, mực nước lũ sông Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang thấp hơn nhưng vẫn còn ở mức cao, nên các xã khu Đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ… bị ngập sâu. Mưa lũ đã làm sập và hư hỏng 4 nhà dân; gần 26.900 nhà dân bị ngập nước; 710 ha lúa Đông Xuân 2017-2018 mới sạ và 140 ha hoa màu bị ngập; 724 m đê sông, 1,3 km kênh nội đồng bị sạt lở; 5 chiếc cầu bị sạt lở, hư hỏng, nhiều tuyến đường bị ngập nước, chia cắt cục bộ. Hiện các địa phương đang triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng kiểm tra đoạn đê sông Gò Chàm thuộc địa bàn xã Phước Hưng (Tuy Phước) bị mưa lũ làm vỡ đứt. Ảnh: TIẾN SỸ
Sau khi đi kiểm tra thực tế và nghe chính quyền các địa phương cùng ngành chức năng báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN tổ chức di dời các hộ dân bị lũ uy hiếp đến nơi an toàn, đồng thời triển khai nhanh các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân vùng bị ngập lũ. Bên cạnh đó, huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển lương thực, nước uống cho các hộ dân bị ngập sâu trong lũ. Tiến hành gia cố tạm các đoạn đê sông bị sạt lở, không để lở vỡ thêm; bố trí lực lượng 24/24 giờ tại các điểm xung yếu, không để người dân qua lại trên các đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định và các địa phương vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. Mưa lũ sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, do vậy, ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương và ngành chức năng phải theo dõi diễn biến mưa lũ và huy động mọi nguồn lực đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Nhà nhiều hộ dân ngập sâu trong lũ. Ảnh: Tiến Sỹ
* Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN CHÂU: Theo dõi chặt chẽ tình hình để ứng phó kịp thời
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lụt tại tuyến đê sông Đại An (thôn Đại Hào, xã Cát Nhơn) và đập dâng Cây Gai (xã Cát Lâm), huyện Phù Cát.
Đoạn đê sông Đại An dài 1,5 km, trong đó có hơn 100 m đã bị vỡ do các đợt lũ lụt xảy ra vào cuối năm 2016, mới được khắc phục tạm thời thì nay bị sạt lở hơn 20 m. Để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi này, nhiều ngày qua, UBND huyện Phù Cát và xã Cát Nhơn đã huy động hàng trăm nhân công dùng cọc tre và bao cát gia cố đoạn đê bị sạt lở.
Nước lũ dâng cao, chảy xiết cũng đã gây sạt lở hơn 200 m đê phía hạ lưu trái của đập dâng Cây Gai. Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã huy động hơn 40 nhân công dùng bao cát, cọc tre, rọ đá để gia cố, khắc phục tạm thời đoạn đê bị sạt lở.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cũng đã đi kiểm tra tình hình ngập lụt tại KCN Nhơn Hòa (TX An Nhơn). Trong những ngày qua, nước lũ từ hồ chứa nước Núi Một, trong khi các tuyến kênh tiêu trong KCN thiết kế khá hẹp, không kịp thoát nước, nên làm nước lũ tràn vào KCN, ảnh hưởng đến các DN đang sản xuất - kinh doanh tại đây.
Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu lưu ý chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng theo dõi, kiểm tra chặt chẽ tình hình mưa lũ đang còn diễn biến phức tạp để có biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là các điểm đê sông đang có dấu hiệu sạt lở. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn sàng lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh... sẵn sàng cứu trợ cho người dân vùng bị nước lũ cô lập.
TIẾN SỸ - NGUYỄN HÂN
Cảnh báo và điều tiết giao thông
Chiều 4.12, nước lũ đổ về gây ngập úng cục bộ tuyến đường tránh QL1 TX An Nhơn đoạn qua khu vực Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, mức độ ngập từ 0,5 - 0,7m. Cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CA tỉnh) phải cột dây văng cảnh báo, cấm người và phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn. Tương tự, tuyến QL19 đoạn qua thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) và phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) cũng bị nước lũ chia cắt nhiều đoạn. Lực lượng CSGT được huy động để điều tiết, phân luồng giao thông.
Ngoài ra, trong tối 3.12 đến rạng sáng 4.12, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến QL19 cũng đã túc trực điều tiết, phân luồng giao thông sau sự cố đường đèo An Khê đoạn giáp ranh với xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) bị sạt lở.
Nhiều trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học
Nhiều phòng GD&ÐT và trường THPT đã quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học ngày hôm nay (5.12) để đảm bảo an toàn cho học sinh và thầy cô trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.
Ngày 4.12, toàn tỉnh có 11 trường THPT ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và TX An Nhơn đã cho học sinh nghỉ học. Ở khối mầm non, tiểu học, THCS, các trường cho học sinh nghỉ nằm ở ngoại thành TP Quy Nhơn, 6 xã ven biển của huyện Phù Cát và 6 xã ven biển ở huyện Phù Mỹ.
Sở GD&ÐT yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và chủ động quyết định việc cho học sinh nghỉ học.
TRỌNG LỢI - NGỌC TÚ