Một sự cảnh tỉnh
Những ngày vừa qua, dư luận cả nước hết sức bất bình khi thông tin về mức lương cao ngất ngưởng, lên đến hàng tỉ đồng một năm, của một số cán bộ quản lý tại các công ty công ích ở thành phố Hồ Chí Minh được phơi bày trước công luận.
Điều khiến dư luận hết sức phẫn nộ là trong khi một bộ phận lớn người lao động, công nhân ở các đơn vị này còn nhiều khó khăn, phải vật lộn kiếm sống hàng ngày để có được phần thu nhập ít ỏi, thì lương của các lãnh đạo doanh nghiệp nêu trên lại cao ngút trời. Đáng giật mình hơn là để có chi các khoản lương “khủng” như trên thì hàng loạt người lao động trực tiếp bị đối xử bất công, chi lương bèo bọt. Có đến hàng trăm người lao động bị Công ty chèn ép bằng thủ thuật ký hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng để trốn đóng bảo hiểm xã hội, bớt xén tiền lương và phúc lợi xã hội của họ. Với các công nhân phải làm những công việc vô cùng vất vả, hàng ngày, hàng giờ phải chui dưới lòng cống, đối mặt với bao nhiêu bất trắc, hiểm nguy, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng ở đơn vị này thì thủ đoạn này thật phi nhân tính.
Có thể nói lòng tham đã khiến các cán bộ quản lý này mờ mắt, họ đã làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người lao động. Việc cố tình lách luật để tước đoạt những quyền lợi hợp pháp, chính đáng và rất đáng được hưởng của những người lao động không chỉ đơn thuần là biểu hiện của sự vô tâm, vô cảm mà đích thị là một tội ác cần lên án và trừng trị. Bên cạnh việc xử lý thích đáng sai phạm này thì điều cần làm là thực hiện bồi thường thỏa đáng quyền lợi chính đáng cho người lao động đã bị tước đoạt mấy năm qua.
Sự việc nêu trên là bài học cảnh tỉnh cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý đối với hoạt động của một số doanh nghiệp hoạt động công ích đặc thù. Dư luận cho rằng cần làm rõ trách nhiệm, kiên quyết chấn chỉnh tình trạng đặc quyền, đặc lợi từ ở những doanh nghiệp hoạt động công ích, sử dụng vốn là tiền đóng thuế của dân. Cần chấm dứt ngay tình trạng “biến” độc quyền của doanh nghiệp thành đặc quyền của lãnh đạo doanh nghiệp để làm giàu cho cá nhân một cách phi pháp trên lưng lợi ích chính đáng của nhiều người lao động chân chính.
V.A