KHÔI PHỤC HỆ THỐNG THỦY LỢI SAU LŨ:
Nước rút đến đâu làm đến đó
Lũ chồng lũ đã làm hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng khá nặng nề. Ðể đảm bảo nước tưới trong vụ sản xuất Ðông Xuân 2017-2018, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương đang tập trung khôi phục hệ thống thủy lợi với phương châm nước rút đến đâu làm đến đó.
Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến kênh ở xã Bình Tân (Tây Sơn). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, các đợt lũ lụt từ đầu tháng 11 đến nay đã gây sạt lở, cuốn trôi trên 32.700 m3 đất đào, gần 8.900 m3 đất đắp, 118 m3 bê tông, 227 m3 đá xây lát trên toàn bộ hệ thống thủy lợi do đơn vị quản lý… Đáng chú ý là đợt mưa lũ từ đầu tháng 12 đến nay tiếp tục gây sạt lở nặng cho khu vực hạ lưu đập dâng Lại Giang (Hoài Nhơn) và hệ thống bờ tả hạ lưu đập dâng Cây Gai, xã Cát Lâm (Phù Cát). Nhiều tuyến đê ở huyện Tuy Phước như: đê Tri Thiện, đê sông Cây Me bị sạt lở hàng chục mét. Ngoài ra, các hồ Hòn Lập, Tà Niêng (Vĩnh Thạnh) bị bồi lấp lòng hồ với khối lượng đất đá rất lớn. Tại Phù Cát, hơn 335 m đê sông qua thôn Đại Hào, xã Cát Nhơn (Phù Cát) và hệ thống đê sông La Tinh bị xói lở nghiêm trọng…
Đáng chú ý là hệ thống kênh tưới Văn Phong trên địa bàn huyện Tây Sơn và huyện Phù Cát có tổng chiều dài gần 100 km cũng bị hư hỏng nặng, hai bên ta luy có nhiều tấm bê tông bị sập xuống lòng kênh; ở nhiều điểm, lòng kênh bị đất cát bồi lấp, cản dòng chảy. Các nhánh kênh của hệ thống kênh tưới Văn Phong cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Riêng tuyến kênh BIS ở xã Bình Tân (Tây Sơn), có đoạn dài hơn 700 m, rộng khoảng 4,5 m đã bị đất cát lấp dày 2,5 m; kênh máng vượt Văn Phong thuộc địa bàn xã Bình Thành (Tây Sơn) cũng đã bị mưa lũ cuốn trôi khoảng 30 m...
Ông Đào Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp (Phù Cát), cho biết: “Hệ thống kênh tưới Văn Phong đã phát huy rất hiệu quả chức năng cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, các đợt mưa lũ kéo dài từ cuối năm 2016 đến nay đã gây sạt lở nặng tuyến kênh này, làm ảnh hưởng đến hoạt động tưới tiêu tại địa phương. Sắp tới, nếu các ngành chức năng không có biện pháp sửa chữa, nâng cấp kịp thời, e rằng rất khó cho sản xuất nông nghiệp của xã”.
Trước tình hình nhiều tuyến đê sông, kênh mương bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều ngày qua, các địa phương và đơn vị chức năng đã huy động hàng trăm người dân cùng lực lượng thanh niên, dân quân dùng bao cát, rọ đá, phên tre đắp gia cố, hàn gắn ở những vị trí sạt lở. Tại khu vực đập dâng Cây Gai, nhiều ngày qua thường xuyên có khoảng 40 công nhân của Xí nghiệp thủy lợi 2 thuộc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi và lực lượng dân quân tập trung gia cố tạm tuyến đê xung yếu này.
Ông Nguyễn Văn Phú cho hay: Tranh thủ nước lũ rút đến đâu đơn vị sẽ tiến hành khắc phục hậu quả ngay đến đó để kịp phục vụ sản xuất Đông Xuân sắp tới. Đối với các điểm bị sạt lở lớn, Công ty phối hợp với chính quyền các địa phương, HTXNN, bà con nông dân và tranh thủ sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, dân quân, thanh niên xung kích nhanh chóng tổ chức nạo vét, sửa chữa, gia cố, đảm bảo cho việc tưới tiêu được thuận lợi.
“Sau khi nước lũ rút, công ty sẽ thống kê lại toàn bộ thiệt hại ở các công trình thủy lợi và dự toán kinh phí tu sửa để báo cáo Sở NN&PTNT và UBND tỉnh. Trước mắt, Công ty đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí trên 4 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với hệ thống thủy lợi, gia cố các cống lấy nước, đập dâng, kênh mương nội đồng… nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân trong vụ Đông Xuân sắp tới”, ông Phú cho hay.
NGUYỄN HÂN