PHỔ BIẾN TÁC PHẨM ĐỊA PHƯƠNG CÓ CHẤT LƯỢNG NGHỆ THUẬT CAO:
Cần thường xuyên, bài bản hơn
Hàng năm, các nghệ sĩ nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc… của tỉnh ta gặt hái không ít thành công, trong đó có cả tác phẩm giành được giải thưởng quốc tế. Những tác phẩm này rất cần được giới thiệu rộng rãi đến công chúng, nhưng việc tổ chức đến nay còn mang tính lồng ghép, thiếu bài bản.
Nhiếp ảnh Bình Định mỗi năm có hàng chục tác phẩm đoạt các giải thưởng trong và ngoài nước nhưng chưa được quảng bá một cách có hệ thống, chiều sâu.
- Trong ảnh: Tác phẩm “Tiếng vọng cội nguồn” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt - HCV PSA (hạng mục: ảnh đen trắng) - Cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 1 “Varadinum 2017” tại Romania.
Trong vài năm trở lại đây, không khó để điểm qua những tác phẩm đã góp phần mang về vinh dự cho văn học nghệ thuật Bình Định. Đó là những lĩnh vực có nhiều cuộc thi, triển lãm, liên hoan… các cấp hàng năm như nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật.
Trong đó, sôi động nhất có lẽ là nhiếp ảnh. Với số lượng gần 40 hội viên, chưa kể hàng chục người chơi ảnh tự do, mỗi năm nhiếp ảnh Bình Định lại có thêm nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước, khu vực, trong tỉnh. Bên cạnh những tác giả đã có “duyên”, kinh nghiệm chinh phục các cuộc thi ảnh quốc tế như Đào Tiến Đạt, Trương Đăng Huy…, gần đây có thêm một số tác giả mới tìm kiếm thành tích ở những sân chơi nhiếp ảnh ngoài nước như Nguyễn Văn Hà, Lê Văn Cảnh, Trương Văn Hắng… Đặc biệt, nổi trội lên có tác giả Nguyễn Dũng (Quy Nhơn) với gần 10 giải thưởng trong nước, trong tỉnh; trong đó có một số sân chơi uy tín như Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Việt Nam nhìn từ trên cao”, Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2017…
Sân khấu cũng là lĩnh vực mạnh của Bình Định. Mang đến những vở diễn có giá trị nội dung tư tưởng lớn, chất lượng nghệ thuật cao, Nhà hát tuồng Đào Tấn cũng như Đoàn Ca kịch bài chòi thường xuyên đoạt thành tích cao tại các kỳ hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Tuy vậy, vở bài chòi Khúc ca bi tráng (2013) hay vở tuồng Nước non cửa Phật (2016) - 2 trong nhiều vở diễn xuất sắc của sân khấu Bình Định những năm gần đây - vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Lý do được giải thích là vở đồ sộ, khó đưa đi biểu diễn. Vì vậy, dù được ngân sách bao cấp rất lớn nhưng số lần biểu diễn của các vở này chỉ đếm trên đầu ngón tay sau khi dàn dựng và biểu diễn tại nơi thi.
Tương tự, một số lĩnh vực khác như âm nhạc, mỹ thuật, đều có những tác phẩm mà chất lượng nghệ thuật đã được công nhận. Do vậy, tùy cách thức phù hợp cho mỗi loại hình tác phẩm, cần có chính sách, kế hoạch phổ biến hiệu quả.
Thông thường, vào mỗi dịp cuối năm, qua hoạt động tổng kết của các chi hội (thuộc Hội VHNT tỉnh), thành tích nổi bật của từng lĩnh vực được hệ thống, cập nhật khá đầy đủ. Những tác giả, tác phẩm, giải thưởng đó có thể không xa lạ với người trong giới, trong nghề, song cơ hội được biết đến và thưởng thức của khán giả, công chúng địa phương vẫn rất hạn chế. Lý do chính là vì khâu phổ biến tác phẩm chưa được chú trọng tổ chức thường xuyên.
Khách quan nhìn nhận, bên cạnh hoạt động sáng tạo, khâu phổ biến, quảng bá tác phẩm cũng rất được tác giả và các tổ chức có trách nhiệm hoặc tâm huyết quan tâm tổ chức. Nhưng vì hạn hẹp kinh phí nên các hoạt động phổ biến tác phẩm chủ yếu được tổ chức quy mô nhỏ, mang tính lồng ghép (nhân các dịp sơ - tổng kết, sinh hoạt chuyên đề…). Cách thức tổ chức như vậy thật khó có thể thu hút, lan tỏa giúp tác phẩm tiếp cận công chúng một cách rộng rãi.
Do vậy, vấn đề đặt ra là cần những chương trình giới thiệu, phổ biến tác phẩm được tổ chức thường xuyên, bài bản, đạt hiệu quả hơn.
SAO LY