NGÀY LÀM VIỆC THỨ HAI, KỲ HỌP THỨ 5 HÐND TỈNH:
Tăng tỉ lệ BHYT toàn dân, thu hồi các dự án treo
Với 14 báo cáo, tờ trình được trình bày tại hội trường, cùng nhiều báo cáo, tờ trình khác, không khí thảo luận tại các tổ đại biểu HÐND tỉnh trong ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp (7.12) lại tiếp tục “nóng” với các vấn đề cụ thể, sát sườn với đời sống dân sinh.
Các ĐB thảo luận ở tổ chiều 7.12. Ảnh: VĂN LƯU
Sức khỏe người dân là trên hết
Theo tờ trình Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, tỉ lệ người dân tham gia BHYT trong tỉnh đến tháng 10.2017 đạt gần 87%, còn gần 13% dân số chưa tham gia BHYT, tập trung vào đối tượng tham gia BHYT tự nguyện và hộ gia đình cận nghèo. Dự báo, tỉ lệ tham gia BHYT sẽ tăng vào dịp cuối năm 2017 do người dân đã có thông tin tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT. Đặc biệt, tỉnh ta đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHYT, có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, sẽ là điều kiện tốt để một số đối tượng tham gia BHYT, góp phần tăng tỉ lệ tham gia BHYT của tỉnh (ngân sách tỉnh hỗ trợ 15% chi phí mua thẻ BHYT cho người cận nghèo, không tính phần kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% nêu trên; đóng 100% chi phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, bệnh nhân phong tàn tật).
Tờ trình Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Ðịnh từ năm 2015 - 2025 và định hướng đến năm 2030 cho thấy vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học đã được quan tâm, nhưng để thuyết phục thì phải điều tra, nghiên cứu cụ thể hơn. “Việc bảo tồn đa dạng sinh học rất cần thiết, nếu chúng ta không làm sẽ để lại hậu quả không tốt”, ĐB TRẦN ĐỨC THẮNG (Hoài Nhơn)
Đại biểu (ĐB) Trần Kỳ Hậu (Quy Nhơn) bày tỏ sự thống nhất với căn cứ pháp lý cũng như thực tiễn của tờ trình này và nhận định, khi tờ trình này được HĐND tỉnh thông qua, sẽ góp phần làm tăng tỉ lệ người dân tham gia BHYT theo mục tiêu BHYT toàn dân. Đây cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chính sách, về giá khám chữa bệnh và cơ quan BHXH cần tạo điều kiện để người dân tham gia BHYT nhiều hơn. Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, theo ĐB Hậu, từ tháng 3.2017, theo lộ trình của Chính phủ, bắt đầu áp dụng bảng giá mới cho đối tượng BHYT và mới chỉ có một phần chi phí khám chữa bệnh được thông qua để ban hành, còn ngân sách của tỉnh đột ngột cắt chi thường xuyên theo định mức giường bệnh, khiến các cơ sở khám chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hiện tại nhiều chi phí khác chưa được cấu thành trong giá dịch vụ. Đồng thời, quy định về định mức BHYT khám chữa bệnh hiện nay chỉ giới hạn ở mức vượt năng suất 130% BHYT mới thanh toán. Điều đó khiến các cơ sở khám chữa bệnh rất khó khăn, các bác sĩ không muốn làm nữa. “Bác sĩ phải phục vụ tới bệnh nhân cuối cùng, không lẽ bệnh nhân tới mà bác sĩ không khám. Nếu lượng bệnh nhân tăng lên thì phải tỉ lệ thuận với lượng bác sĩ. Cho nên giữa chính sách và thực tiễn, chúng ta phải cân đối hài hòa, vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân là trên hết”, ĐB Hậu nói.
ĐB Phạm Ngọc Trình (Phù Cát) nêu ý kiến về một số dự án treo ở địa phương, gây khó khăn cho đời sống người dân. Ảnh: Hải Yến
Dự án “treo”, treo đến bao giờ?
ĐB Phạm Ngọc Trình (Phù Cát) nêu ý kiến về một số dự án ở địa phương không triển khai đã lâu, gây khó khăn cho đời sống người dân, cụ thể là Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng - khách sạn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, đã không triển khai hơn 10 năm nay. Ngoài ra, ĐB Trình đặt câu hỏi: “Tại sao dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Ban Mai cũng không triển khai nhiều năm, bị tỉnh thu hồi giấy phép hoạt động. Sau đó, dự án này lại được tỉnh cấp giấy phép và tiếp tục không triển khai hoạt động”. ĐB Trình cũng kiến nghị tỉnh cần quan tâm, nâng cấp đập dâng Đức Phổ, xã Cát Minh, đã xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
“Ðơn thư giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng rất nhiều, chiếm 70% trong tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo, cho thấy vấn đề quản lý trên lĩnh vực đất đai còn lỏng lẻo. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp như thế nào để tuyên truyền phổ biến, giáo dục Luật Đất đai cho người dân”
ĐB VŨ THỊ HỒNG HOA (Phù Mỹ)
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã giải trình các vấn đề mà ĐB Phạm Ngọc Trình nêu. Cụ thể: Nguồn vốn dự kiến để đầu tư đập dâng Đức Phổ quá lớn, tỉnh không thể thực hiện được và đang thu hút nguồn vốn từ Trung ương. Riêng các dự án ở huyện Phù Cát để tồn tại quá lâu gây bức xúc lớn trong người dân, UBND tỉnh sẽ có kế hoạch thu hồi đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh sẽ ứng trước tiền đền bù để di dời dân lên khu phía Tây huyện để ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Với dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Ban Mai, tôi đã ký quyết định thu hồi. Các sở, ban, ngành liên quan lại trình duyệt để ký với đủ điều kiện hoạt động lại. Tôi đề nghị các sở, ban, ngành nhanh chóng kiểm tra tiến độ triển khai dự án như thế nào, cấm DN này chuyển nhượng quyền cho các DN khác trong thời điểm này; cho thời hạn cụ thể triển khai dự án, nếu không làm sẽ thu hồi ngay lập tức”.
Trước bức xúc của các ĐB về những dự án treo quá lâu năm, ông Ngô Văn Tổng, Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh, cho biết thêm: “Chúng tôi cùng các đoàn kiểm tra liên ngành đã mời nhà đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Ban Mai làm việc và hạn đến ngày 8.12 phải bổ sung đầy đủ hồ sơ, nếu không sẽ tiến hành lập biên bản và thu hồi. Với dự án này, chậm nhất cuối tháng 12 năm nay, chúng tôi sẽ trình cụ thể việc thu hồi hay không với tỉnh”. Ông Tổng cũng cho biết, sẽ tiến hành di dời dân đến 2 khu tái định cư ở xã Cát Tiến.
Ðể dân được tự chủ trên đất rừng
ĐB Hoàng Phi Long (Hoài Ân) nêu thực trạng: Hoài Ân có 3 xã vùng cao là Ân Sơn, Đắk Mang và Bok Tới với diện tích rừng trên 3.000 ha và bức xúc nhất hiện nay là người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, chưa được cấp sổ lâm bạ. ĐB Long đề nghị, Sở TN&MT cần xây dựng đề án, chiến lược phù hợp, tiến tới cấp dần sổ lâm bạ cho người dân theo lộ trình để họ có quyền tự chủ trên đất rừng, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại cũng như bảo vệ rừng được tốt hơn. Bên cạnh đó, chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ rừng còn hạn chế, đề nghị tỉnh nghiên cứu để có cơ chế phù hợp.
Các ĐB cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng phá rừng thời gian qua, một phần xuất phát từ việc diện tích rừng phải quản lý quá lớn trong khi lực lượng bảo vệ rừng lại rất mỏng, chưa kể tiền chi trả cho người thực hiện công tác này quá thấp.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, qua kiểm tra toàn bộ diện tích rừng bị phá, phần lớn rơi vào diện tích rừng xã quản lý; trong diện tích rừng do xã quản lý lại có một số diện tích giao khoán cho dân bảo vệ. Vì vậy, UBND tỉnh đã đưa ra giải pháp cụ thể, phần diện tích nào không có hồ chứa, không có cảnh quan và khả năng phục vụ được cho sản xuất thì chuyển qua rừng sản xuất để giao lại cho dân, để dân thực sự làm chủ trên diện tích đó. Về vấn đề này, Sở NN&PTNT đang điều chỉnh và dự kiến khoảng 5.2018 tỉnh sẽ phê duyệt đề án.
TỔ PV PHÒNG XD ĐẢNG - NỘI CHÍNH