Bài chòi chính thức được vinh danh!
Lúc 15 giờ 15’ (giờ Việt Nam) ngày 7.12, trong khuôn khổ ngày làm việc thứ 4 - kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003, “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại!
Niềm vui của đoàn Việt Nam khi bài chòi chính thức được vinh danh.
Từ Jeju - Hàn Quốc, nơi đang diễn ra kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 (gọi tắt là kỳ họp thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc - UNESCO), Giám đốc Sở VH - TT Tạ Xuân Chánh báo tin vui.
Tham dự bảo vệ hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” tại kỳ họp này, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên làm trưởng đoàn, cùng đại diện Bộ Ngoại giao, Cục Di sản Văn hóa (thuộc Bộ VH-TT&DL); phía tỉnh Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở VH và TT Tạ Xuân Chánh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nguyễn An Pha. Đại diện tỉnh bạn có chung di sản có Phó Giám đốc Sở VH và TT tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Hoa.
Theo đó, 17 giờ 15’ giờ Hàn Quốc - 15 giờ 15’ giờ Việt Nam, theo nghi thức trang trọng truyền thống của UNESCO, ngài Byong - hyun Lee, Chủ tịch Ban Chấp hành UNESCO, chủ tọa kỳ họp thứ 12, gõ búa thông qua hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam”, chính thức đưa di sản này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện của nhân loại. Tại dãy bàn của đoàn Việt Nam thực hiện sứ mệnh bảo vệ đề cử di sản, quốc kỳ nước ta được phất cao, cùng nhiều thẻ bài chòi được giơ lên. Một không khí vỡ òa niềm hạnh phúc, tự hào… Vậy là sau 3 năm trở thành DSVHPVT cấp quốc gia, bài chòi tiếp tục được vinh danh ở tầm quốc tế.
Trước đó, “Nghệ thuật Bài chòi” (ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Nam) đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là DSVHPVT cấp quốc gia (theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25.8.2014). Hướng đến mục tiêu trở thành di sản của nhân loại, cùng với công cuộc bảo tồn, phát huy mạnh mẽ, hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” (do Viện Âm nhạc phối hợp với 9 tỉnh, thành phố - từ Quảng Bình đến Khánh Hòa - thực hiện) được xây dựng công phu, hoàn thành và gửi đến UNESCO vào tháng 3.2015.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã nộp hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” tới UNESCO (tháng 3.2015). Theo ông Tạ Xuân Chánh, với những giá trị văn hóa đặc sắc, công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng, sự nỗ lực, phối hợp hiệu quả của các địa phương có di sản, sự hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UNESCO cùng các nước trong Ủy ban Công ước 2003, hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” đã vượt qua sự đánh giá khắt khe của các cơ quan chuyên môn UNESCO, đáp ứng 5 tiêu chí để được công nhận là DSVHPVT đại diện của nhân loại.
Đoàn cán bộ Việt Nam tham dự bảo vệ hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” tại kỳ họp kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003.
Dù cả 2 lần công nhận ở cấp quốc gia và quốc tế, bài chòi là di sản chung của nhiều tỉnh miền Trung, nhưng như một mặc nhiên - Bình Định được xem là cái nôi của di sản. So với các tỉnh miền Trung có chung di sản, bài chòi dân gian Bình Định luôn được giới nghiên cứu đánh giá là độc đáo, đa dạng nhất. Nghệ nhân bài chòi dân gian của Bình Định, nhất là các lứa nghệ nhân trung niên, cao tuổi luôn được khen chuyên môn tốt: giữ được chất cổ trong làn điệu, nhiều kịch bản, tuồng tích…
Cách bảo tồn và hiệu quả bảo tồn, phát huy bài chòi của Bình Định cũng được đánh giá là nguyên bản, bền vững. Có lẽ vì vậy mà không chỉ là địa phương không thể bỏ qua của giới nghiên cứu mà mỗi khi các cơ quan báo, đài truyền hình trung ương thực hiện những bài viết, phóng sự về bài chòi, họ lại tìm về Bình Định như tìm về nguồn cội của di sản. Bên cạnh đó, nói về chỉnh thể di sản bài chòi, không nhắc đến bộ phận sân khấu bài chòi chuyên nghiệp sẽ là một thiếu sót. Từ một làn điệu dân ca, bài chòi đã có bước đột biến trong phát triển, để trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, một loại hình kịch chủng mới. Tại Bình Định, đại diện là Đoàn Ca kịch bài chòi - luôn giữ vững thương hiệu là đơn vị hàng đầu của làng sân khấu bài chòi chuyên nghiệp cả nước.
Hai hiệu trẻ Kiều My (phải, TX An Nhơn) và Hoàng Yến (Trung tâm Văn hóa tỉnh) tại một hội đánh bài chòi trong tỉnh.
Nếu tính từ mốc năm 2010 khi tỉnh ta triển khai phục dựng hội đánh bài chòi cổ, đến nay, đó là quãng thời gian không dài, nhưng từ chỗ là một di sản có nguy cơ thất truyền, bài chòi đã hồi sinh. Đến nay, theo thống kê của Sở VH-TT, hiện cả tỉnh có 28 CLB BCDG với 176 nghệ nhân tham gia sinh hoạt, trong đó số thực hành hô thai là 80 người, số có khả năng truyền dạy là 50 người! Sự hồi sinh của bài chòi trở thành biểu hiện sinh động cho chủ trương, chính sách bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc, xem đó là “sức mạnh mềm” mà Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm thực hiện.
Ngay chính thời điểm bài chòi được vinh danh, ý thức của Bình Định về di sản đã được xác định rõ. Giám đốc Sở VH và TT Tạ Xuân Chánh cho biết: “Cũng như các DSVHPVT đã được công nhận trước đây, di sản bài chòi được công nhận lần này có ý nghĩa to lớn, khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của người dân Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Vinh dự to lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Ngành văn hóa sẽ luôn ý thức cao về nhiệm vụ chính trị của mình trong bảo tồn, phát huy bài chòi, để góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
SAO LY
Lan tỏa niềm vui
Đón nhận dấu mốc mang tính quốc tế của di sản bài chòi, báo Bình Định ghi nhanh một số ý kiến quanh sự kiện này.
NNƯT LÊ THỊ ĐÀO (92 tuổi, ở TX An Nhơn), bầu gánh kiêm nghệ nhân bài chòi dân gian cao tuổi nhất ở Bình Định. Tôi từng nghĩ bài chòi dân gian sẽ vĩnh viễn mất đi…
Một đời hô hát bài chòi, tôi chưa từng nghĩ có ngày bài chòi vươn ra khỏi làng quê, được thế giới biết đến, vinh danh như hôm nay. Suốt mấy chục năm chứng kiến bài chòi dân gian mai một dần, điều tôi thường nghĩ đến là, có luyến tiếc đến đâu thì cũng phải chấp nhận thực tế bộ môn này rồi sẽ vĩnh viễn mất đi. Ngay cả năm 1990 khi tôi khóc nhận 2 lon sữa bò, trầu cau của cố NSƯT Phan Ngạn vui mừng tham gia CLB Bài chòi cổ dân gian Bình Định mà ông sáng lập, mong dốc sức già để níu kéo di sản, tôi cũng không dám nghĩ bài chòi sẽ sống lại. Nhưng thực tế, mấy năm ròng qua, hội đánh bài chòi tở mở khắp nơi, trong tỉnh - Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn…, rồi ra tới Hà Nội, vô tận Sài Gòn biểu diễn; hiệu trẻ, nghệ nhân trẻ ngày một nhiều thêm… Bài chòi dân gian thật sự sống lại rồi!
Bài chòi là nghệ thuật dân gian truyền thống có sức sống mạnh mẽ ở Bình Định.
Ông VĂN TRỌNG HÙNG, trưởng đại diện văn phòng khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên - Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc: Cần tiếp tục nhân rộng, làm lan tỏa di sản
Trong bảo tồn, phát huy di sản, ta nên lưu ý cả bài chòi dân gian lẫn bài chòi sân khấu chuyên nghiệp. Đứng vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại, bên cạnh vinh dự, những quyền lợi nếu có, từ đây trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản cũng sẽ nặng nề hơn.
Theo tôi có hai việc Bình Định cần tiếp tục, ưu tiên thực hiện. Thứ nhất là nhân rộng, làm lan tỏa di sản hơn nữa, hướng về địa phương, cơ sở. Lực lượng nghệ nhân phải đông hơn, trẻ hơn, giỏi chuyên môn lẫn kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn; gầy dựng thêm nhiều câu lạc bộ và tổ chức sinh hoạt hiệu quả, làm cho bản đồ phân bố di sản dày hơn, đầy hơn. Sau cùng, quan trọng hơn hết vẫn là làm sao để càng ngày càng có nhiều người dân hiểu biết về di sản, yêu thích và có thể tham gia, thực hành.
Thứ hai, bên cạnh với quan tâm bảo tồn, phát huy bài chòi dân gian, bài chòi sân khấu chuyên nghiệp rất cần được nhanh chóng đầu tư về cơ sở vật chất. Thời gian tới, nếu địa phương không thể đảm bảo khâu cơ bản này thì khó có thể nói bảo tồn, phát huy tốt di sản.
Một tiết mục dự thi tại Hội thi bài chòi ở TP Quy Nhơn Tết 2017.
Ông TRẦN ĐÌNH TRẮC (79 tuổi, ở TP Quy Nhơn): Vinh dự, tự hào!
Suốt khoảng 5 năm qua, lòng tôi luôn rộn ràng dõi theo cuộc hồi sinh mạnh mẽ của bài chòi. Tôi hạnh phúc vì cùng với bài chòi sân khấu chuyên nghiệp công lập mà tỉnh ta đã tạo được thương hiệu, bài chòi dân gian sau thời gian dài mai một lại được quan tâm bảo tồn, ngày thêm đầu tư, phát huy. Bài chòi vẫn luôn tươi đẹp, sống mãi.
Vậy nên, vài ngày trước, tình cờ biết hồ sơ đề cử bài chòi là DSVHPVT đại diện của nhân loại sẽ được xem xét và có kết quả, tôi hồi hộp và mong chờ tin tốt. Từ tin tức thời sự đó, tôi bồi hồi nhớ lại quê tôi - làng Tri Thiện, Phước Quang, Tuy Phước nơi cũng có 1 đoàn bài chòi, với những nghệ nhân - nam như ông Năm Quằn, Sáu Tiên…, nữ như cô Năm, chị Hồng… Là loại hình nghệ thuật rất dân dã nhưng chứa đựng, truyền tải nhiều giá trị đạo lý; dễ hát, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, phù hợp cho tất cả, bài chòi thật sự là một phần hồn cốt của Bình Định. Tôi rất vinh dự, tự hào khi di sản quê hương được quốc tế vinh danh.
Một buổi sinh hoạt, giao lưu, biểu diễn bài chòi ở Hội quan văn hóa du lịch (Trung tâm Văn hóa tỉnh).
Đạo diễn - NSND HOÀI HUỆ, Trưởng Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định: Nỗ lực hết mình cho sân khấu bài chòi chuyên nghiệp Bình Định
Trong quá trình phát triển của di sản, bài chòi sân khấu đã ra đời trên nền tảng của bài chòi cổ, bài chòi dân gian. Là nghệ sĩ bài chòi sân khấu, đặc biệt thực hiện nhiệm vụ chính trị bảo tồn và phát triển một bộ phận của di sản bài chòi, tôi thật sự cảm động khi bài chòi được vinh danh. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là, tài năng, tâm huyết của bao lớp thế hệ nghệ nhân bài chòi dân gian đã được cơ quan chức năng của quốc tế, nhân dân thế giới ghi nhận, trân trọng. Về phần mình, cá nhân tôi cũng như Đoàn sẽ nỗ lực hết mình cho sân khấu bài chòi chuyên nghiệp Bình Định, đóng góp vào thành công chung của di sản.
KHẢI THƯ (ghi)
Bài liên quan:
Văn bản Ghi danh di sản Bài Chòi