Nhiều vướng mắc trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Còn nhiều cách hiểu về xác định văn bản quy phạm pháp luật, văn bản ban hành chưa chuẩn về hình thức trình bày, không đúng căn cứ pháp lý… Nhiều tồn tại, vướng mắc đã được chỉ ra sau hoạt động giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HÐND và UBND cấp huyện từ ngày 1.7.2016 đến hết ngày 30.9.2017.
Đoàn Giám sát do Ban Pháp chế HĐND tỉnh thành lập vừa thực hiện giám sát trực tiếp tại Sở Tư pháp, UBND TP Quy Nhơn và các huyện Hoài Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh; giám sát gián tiếp qua báo cáo của UBND các huyện, thị xã: An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, An Lão.
“Vướng” ở đâu?
Trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật, góp phần thực hiện tốt công tác ban hành văn bản QPPL ở địa phương. Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn cho biết, các văn bản ban hành được triển khai thực hiện thống nhất từ cấp huyện đến cơ sở; có tác động tích cực trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của chính quyền địa phương. Từ ngày 1.7.2016 đến nay không có trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực thi văn bản QPPL do địa phương ban hành.
Tính từ ngày 1.7.2016 đến 30.9.2017, ở HÐND cấp huyện, có 196 nghị quyết được ban hành; trong đó, nghị quyết QPPL có 84 văn bản, nghị quyết áp dụng pháp luật có 112 văn bản. HÐND các xã, phường, thị trấn ban hành 825 nghị quyết. Trong khi đó, UBND cấp huyện ban hành 50 quyết định QPPL; UBND các xã, phường, thị trấn ban hành 92 quyết định QPPL.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy nhiều vướng mắc, hạn chế trên lĩnh vực này. Việc triển khai thực hiện điều 30 Luật Ban hành văn bản QPPL còn vướng mắc về thẩm quyền ban hành văn bản. Theo quy định, “HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao”. Thế nhưng, một số HĐND cấp xã của TP Quy Nhơn, huyện Tây Sơn không ban hành văn bản QPPL, mặc dù nội dung nhiều văn bản đủ tiêu chí là văn bản QPPL.
Bên cạnh đó, một số văn bản QPPL do địa phương ban hành chưa sát thực tế, tính dự báo chưa cao nên khi triển khai thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần hoặc triển khai chậm. Việc phối hợp lấy ý kiến các cấp, các ngành liên quan (nhất là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản) đóng góp vào văn bản đôi khi mang tính hình thức, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả khi văn bản được ban hành. Một số địa phương ban hành không đúng căn cứ pháp lý, như căn cứ vào văn bản không có giá trị pháp lý cao hơn (Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Vân Canh); kỹ thuật trình bày văn bản chưa đúng quy định.
Đáng chú ý, việc xác định hình thức nghị quyết HĐND và quyết định UBND là văn bản QPPL, văn bản không chứa đựng QPPL hay văn bản áp dụng luật chưa thống nhất tại các địa phương. Từ đó xảy ra tình trạng cùng một loại văn bản nhưng có địa phương cho là văn bản QPPL, có nơi bảo không, như các nghị quyết quy định về nhiệm vụ phát triển KT - XH, nghị quyết quy định về đầu tư phát triển trên địa bàn huyện… Đồng thời, một số địa phương như Quy Nhơn, Phù Cát ban hành các nghị quyết quy định về dự toán, quyết toán ngân sách địa phương theo hình thức văn bản QPPL là chưa đúng quy định. Nguyên nhân chính của tình trạng này là một số quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ chưa rõ ràng.
“Có những vấn đề cụ thể phát sinh trong thực tế công việc trên lĩnh vực này, chúng tôi gọi điện trực tiếp cho cán bộ trung ương - người vừa về địa phương tập huấn, nhưng vẫn không nhận được đáp án rõ ràng”, một cán bộ tư pháp cấp huyện chia sẻ.
Khắc phục thế nào?
Để khắc phục các vướng mắc, tồn tại, ông Phạm Hồng Sơn - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát, cho rằng, giải pháp quan trọng là thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát việc ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp huyện, qua đó chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kịp thời chấn chỉnh những sai sót. Cùng với đó là tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về soạn thảo văn bản QPPL nhằm giúp cán bộ, công chức làm công tác tư pháp nhận diện chính xác văn bản QPPL, tránh ban hành sai hình thức, nội dung, thẩm quyền văn bản.
“Sở Tư pháp cũng cần chỉ đạo thực hiện tốt việc hệ thống hóa văn bản QPPL ở địa phương theo quy định; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thống kê các văn bản QPPL và văn bản chứa đựng QPPL từ cấp huyện đến xã để phát hiện và xử lý kịp thời các văn bản sai quy định. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị để Bộ Tư pháp trình Chính phủ và Quốc hội tháo gỡ những điểm còn bất cập trong việc thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL”, ông Sơn nói.
Đối với HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố, yêu cầu đặt ra là tiếp tục triển khai, quán triệt Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đến các phòng, ban thuộc UBND và các ngành liên quan cấp huyện, HĐND, UBND cấp xã. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng, soạn thảo văn bản QPPL; tăng cường công tác chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn cấp huyện trong việc ban hành văn bản QPPL, thực hiện nghiêm túc việc công khai văn bản QPPL khi ban hành theo quy định.
NGUYỄN VĂN TRANG