“Cách mạng” về lương!
Thông tin kể từ ngày 1.7.2018, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng thêm 90.000 đồng đã mang lại “niềm vui nho nhỏ” cho những người làm việc hưởng lương trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công. Nói là “niềm vui nho nhỏ” vì với mức tăng khá dè dặt này số thu nhập tăng thêm cũng chỉ ở mức rất khiêm tốn.
Thực tế cho thấy, cho đến nay sau một số lần điều chỉnh tiền lương cơ sở nhưng chính sách tiền lương vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Một trong những bất cập dễ thấy và được nói đến nhiều nhất là mức lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu nên chưa làm người lao động gắn bó với công việc, quan hệ tiền lương mang tính bình quân, thấp hơn nhiều quan hệ tiền lương trên thị trường lao động, hệ thống thang bảng lương phức tạp và lạc hậu… Nguyên nhân của thực trạng này thì cũng đã được chỉ ra từ lâu. Đó là đối tượng hưởng lương từ ngân sách tăng nhanh (hiện là hơn 8 triệu người), trong khi ngân sách không đáp ứng kịp nguồn lực ngân sách hạn chế; chưa tạo đột phá về quản lý ngân sách; chưa quản lý tốt tiền lương; chưa khắc phục bất cập quản lý đơn vị sự nghiệp công…
Từ việc chỉ ra những bất cập trên, để tháo gỡ một cách căn cơ và hiệu quả hơn, Đề án cải cách tiền lương được Chính phủ chỉ đạo theo hướng thực hiện trả lương theo vị trí việc làm. Trong đề án này, Chính phủ đặt ra yêu cầu là phải có sự thay đổi mang tính chất căn bản, khắc phục những bất cập và bất hợp lí; tôn trọng các nguyên tắc, quy luật khách quan trong tình hình phát triển kinh tế thị trường. Như vậy, cái “lõi” của vấn đề cải cách tiền lương là xác định vị trí việc làm. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: “Nếu thực hiện được trả lương theo vị trí việc làm thì đây là cuộc cách mạng mạnh mẽ về tiền lương”.
Mới đây, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây sẽ là tiền đề và động lực quan trọng để Chính phủ thực hiện một cuộc “cách mạng” về tiền lương trong thời gian tới.
H.Ð