NGƯ DÂN VAY VỐN ĐÓNG TÀU CÁ VỎ THÉP:
Nỗi lo trả nợ ngân hàng
Vay vốn ngân hàng để đóng tàu vỏ thép, nhưng tàu cá mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng phải nằm bờ trong thời gian dài để sửa chữa, nhiều ngư dân lo lắng vì không có thu nhập để trả nợ cho ngân hàng.
Ông Lê Văn Thãi, ở xã Cát Khánh (Phù Cát), chủ tàu cá vỏ thép Lê Gia 01 BĐ 99016- TS là một trong những ngư dân có nợ ngân hàng quá hạn chưa thanh toán. Ông Thãi thổ lộ: “Sau khi nhận tàu từ Công ty TNHH MTV Nam Triệu vào cuối năm 2016, tôi mở chuyến biển đầu tiên nhưng thất bại, do thiết bị hầm bảo quản sản phẩm không đảm bảo, khiến cho nước đá tiêu hao nhiều, nên phải cho tàu vào bờ sớm, bị thua lỗ hơn 200 triệu đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, tàu cá bị hư hỏng phải nằm bờ để sửa chữa. Hiện tàu sửa chưa xong, không có nguồn thu, nợ BIDV chi nhánh Phú Tài đã tăng lên 1,15 tỉ đồng, nhưng chưa có tiền để trả nợ.
Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức (Phù Mỹ) cũng chưa hoàn trả nợ vay đóng tàu vỏ thép đúng kỳ hạn. “Thu nhập chính của gia đình đều từ nghề khai thác thủy sản, nhưng nhiều tháng qua tàu cá bị hư hỏng phải nằm bờ để sửa chữa, không có thời gian và phương tiện để đi khai thác thủy sản kiếm tiền trang trải cuộc sống và hoàn trả nợ vay ngân hàng. Hiện cơ sở đóng tàu không chịu đền bù thiệt hại, trong khi ngân hàng liên tục phát thông báo, thúc giục hoàn trả 1,473 tỉ đồng nợ gốc lẫn lãi” - ông Mạnh cho biết.
Theo Sở NN&PTNT, có 17 chủ tàu vỏ thép bị rỉ sét, hư hỏng đã nợ quá hạn các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh với số tiền 17,84 tỉ đồng, trong đó có trên 8 tỉ tiền nợ gốc và 9,83 tỉ tiền lãi. Còn theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Định, đến ngày 30.11, có 62 khách hàng là ngư dân đã được các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh giải ngân với số tiền trên 884 tỉ đồng để đóng 48 tàu vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ composite. Đến nay, có 35 khách hàng nợ quá hạn nhưng chưa hoàn trả với số tiền 41,4 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là 19,14 tỉ đồng, tiền lãi 22,27 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc NHNN tỉnh, cho biết: Chi nhánh đã kiến nghị NHNN Việt Nam có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính cho phép cơ cấu nợ nhưng vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản nợ vay theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ do nguyên nhân khách quan khác như: Công ty đóng tàu không giao tàu đúng thời hạn theo hợp đồng đã ký kết và bàn giao tàu kém chất lượng, thiết kế không phù hợp với thực tế nên ngư dân phải tốn thời gian và chi phí để sửa chữa tàu, dẫn đến khả năng tài chính bị ảnh hưởng và phải kéo dài thêm thời gian không ra khơi. Do diễn biến bất thường về khí hậu, ngư trường khai thác... nên phương án khai thác thủy sản không diễn biến đúng như kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, điều chỉnh lịch trả nợ theo đề nghị của Bộ NN&PTNT, nhằm tạo điều kiện cho ngư dân khai thác thủy sản để có nguồn thu và hoàn trả nợ cho ngân hàng. Tuy vậy, đến nay NHNN tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của NHNN Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương.
PHẠM TIẾN SỸ