Kiên quyết, nghiêm minh!
Ngày 15.11.2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, quy định nội dung vi phạm và hình thức kỷ chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nghị quyết, quy định của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị.
Quy định không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn khẳng định thái độ kiên quyết, tính nghiêm minh trong xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng. Trong đó, có 3 nội dung rất quan trọng trong quy định này cần được quán triệt sâu sắc để vận dụng đúng đắn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ nhất, tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.
Thứ hai, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể. Một nội dung vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng mộ thình thức kỷ luật. Nếu đảng viên có từ hai nội dung vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật; không tách riêng từng nội dung vi phạm của đảng viên để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau. Trong cùng một vụ việc có nhiều đảng viên vi phạm thì mỗi đảng viên đều phải bị xử lý kỷ luật về nội dung vi phạm của mình. Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.
Thứ ba, quy định rõ hình thức kỷ luật đối với 3 loại vi phạm: Về chính trị và nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; về chính sách, pháp luật của Nhà nước; về chế độ trách nhiệm, đạo đức lối sống, tín ngưỡng và tôn giáo; đối với từng trường hợp vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng và gây hậu quả rất nghiêm trọng. Các nội dung vi phạm và hình thức xử lý được quy định cụ thể, chi tiết trong quy định.
Ngoài ra, quy định việc xem xét giảm nhẹ hoặc tăng nặng mức kỷ luật đối với đảng viên có vi phạm, khuyết điểm cũng được cụ thể hóa liên quan đến tinh thần, thái độ, sự tự giác trong việc nhận lỗi và sửa chữa, khắc phục hậu quả của bản thân người vi phạm. Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này.
Cùng với việc ban hành Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên như đã nêu, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ ngày 8.12.2017 theo Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), đã cho thấy thái độ kiên quyết và sự nghiêm minh của Đảng trong xử lý kỷ luật. Từ đây trở đi, sẽ không có bất cứ “vùng cấm”, “vùng an toàn” nào cho bất cứ đảng viên nào nếu có vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật, dù đảng viên đó là ai, giữ chức vụ gì trong Đảng.
H.Đ