Triển khai Luật Quản lý ngoại thương: Nắm bắt cơ hội để hội nhập và phát triển
Qua Hội nghị “Phổ biến Luật Quản lý ngoại thương và dự thảo các nghị định hướng dẫn” vừa được tổ chức tại TP Quy Nhơn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ: Luật Quản lý ngoại thương sẽ mở ra cơ hội mới, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thử thách.
Công ty CP Phú Tài là một trong số những DN G&LS trên địa bàn đã nỗ lực hội nhập để phát triển.
- Trong ảnh: Một góc gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty tại Hội chợ Thương mại.
Nhiều khó khăn, thử thách
Ngành gỗ và lâm sản (G&LS) là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam; năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt trên 2,7 tỉ USD, vào thị trường châu Âu (EU) đạt 650 triệu USD. Đối với Bình Định, nhiều năm qua, giá trị KNXK của ngành G&LS chiếm khoảng 55 - 60% tổng giá trị KNXK toàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Trần Lê Huy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội G&LS Bình Định, các DN G&LS trong tỉnh đang đối diện nhiều khó khăn, thử thách: Thị trường EU đang diễn biến khá phức tạp, trong đó có “sự kiện Brexit”, làn sóng nhập cư, tình hình khủng bố… Những vấn đề này đã tác động, làm cho thị trường EU bấp bênh; nhà nhập khẩu, nhà phân phối thua lỗ. EU đã siết chặt các quy định, tiêu chuẩn, đồng thời tăng thuế nhập khẩu sản phẩm gỗ, dăm gỗ từ 0% lên 2%; ván lạng từ 5% lên 10%...
Đồng quan điểm, ông Võ Kim Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Điện - cơ Bình Định, cho biết: Các DN thuộc Hiệp hội, ngoài việc mua máy móc, thiết bị, động cơ trong nước, còn phải nhập các linh kiện, vật tư, máy móc từ nước ngoài về, trong khi việc nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là thủ tục hải quan và chính sách về thuế.
Còn theo ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bên cạnh việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu khá cao của thị trường EU, các DN Việt Nam còn phải đối diện với các “rào cản kỹ thuật”, những tranh chấp thương mại… Khá nhiều DN trong nước còn thiếu hiểu biết về những quy định pháp quy liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu .
Nắm bắt cơ hội để hội nhập, phát triển
Ông Trần Lê Huy nhận định, mặc dù có nhiều khó khăn, thử thách, song ngành G&LS Bình Định - Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội không hề nhỏ. EU là thị trường rộng lớn với số dân trên 500 triệu người, tổng GDP chiếm khoảng 22% GDP toàn thế giới. EU cũng là thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam, với tổng nhập khẩu gần 39 tỉ USD/năm, tiêu thụ hơn 80 tỉ USD/năm. Hiệp định EVFTA và VPA/FLEGT được ký kết và có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội cho ngành G&LS Việt Nam, mở rộng thị phần, nâng cao KNXK.
Cụ thể, ngành G&LS Bình Định sẽ có cơ hội mở rộng quy mô và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngành gỗ toàn cầu; 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU sẽ được hưởng thuế suất 0%; giá máy móc, thiết bị ngành gỗ nhập khẩu sẽ được giảm, giúp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Đồng thời, các DN G&LS Bình Định có cơ hội nâng cao trình độ quản trị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; giảm được những rủi ro trong việc thực hiện giải trình theo quy chế gỗ của EU; góp phần duy trì thị trường xuất khẩu EU và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc…
Ông Võ Kim Hưng cho rằng, trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, Nhà nước cần có biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ những hàng rào gây khó khăn, phiền hà đối với DN, tạo điều kiện cho DN phát triển, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để hội nhập và phát triển bền vững, các DN Bình Định - Việt Nam cần nắm bắt được những nội dung cụ thể về quy định chuẩn mực quốc tế, nhất là Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định EVFTA và VPA/FLEGT… DN cần hiểu rõ những nội dung chủ yếu của Luật Quản lý ngoại thương và các nghị định hướng dẫn để phòng tránh những rủi ro, đồng thời nắm bắt cơ hội để hội nhập và phát triển - ông Nguyễn Phú Hòa khuyến cáo.
VIẾT HIỀN