Gỗ nguyên liệu rớt giá, người trồng rừng khốn đốn
Thời gian gần đây, nhiều DN không xuất được mặt hàng dăm gỗ nên phải dừng thu mua gỗ nguyên liệu (chủ yếu là gỗ cây keo lai và bạch đàn). Chính vì vậy, giá gỗ nguyên liệu đã “tụt không phanh” khiến người trồng rừng gặp khó khăn, không có lãi.
Nhiều nhà máy chế biến dăm dừng thu mua gỗ nguyên liệu vì dăm gỗ không xuất được.
Giá thấp nhất
Ông Cù Văn Mẫn, ở thôn Bình An 1, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), người trồng rừng hơn 10 năm nay và đang có trên 100 ha rừng nguyên liệu trên địa bàn xã Phước Thành và các địa phương lân cận, rầu rĩ nói: Giá gỗ keo đang được nhà máy thu mua ở mức 900-950 ngàn đồng/tấn, thấp hơn so cùng kỳ 350-400 ngàn đồng/tấn, song cũng rất khó bán. Giá thu mua thấp, còn chi phí đầu tư trồng rừng như giống, phân bón hoặc giá thuê nhân công tăng lên từng ngày… Vì vậy, đầu tư vào trồng rừng ở thời điểm này tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Tương tự, ông Phạm Hồng Hải, ở thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), người có 30 ha cây keo lai đã tới chu kỳ khai thác, nhưng cũng chưa thể bán vì giá thấp. Ông Hải cho biết: Bây giờ mà tôi muốn bán thì cũng chẳng biết có ai mua không. Hầu hết, các nhà máy chế biến dăm gỗ ở Bình Định gần như đã dừng thu mua gỗ nguyên liệu, thương lái vì thế cũng chẳng thu mua gỗ keo, bạch đàn.
“Mỗi héc ta cây keo lai đầu tư từ 40-50 triệu đồng. Sau chu kỳ 5-6 năm cho khai thác với năng suất chừng 80 tấn gỗ nguyên liệu. Tính theo mức giá thu mua bình quân hiện nay (900-950 ngàn đồng/tấn) thì giá trị gỗ tương đương hơn 70 triệu đồng, trừ chi phí thì người trồng rừng không có lãi”, ông Hải nhẩm tính.
Ông Cái Minh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, nhận xét: “Giá gỗ keo lai thu mua trên địa bàn dao động từ 920-950 ngàn đồng/tấn, giá gỗ bạch đàn thu mua dao động từ 830 - 840 ngàn đồng/tấn; ở khu vực TP Quy Nhơn, giá nhỉnh hơn 100 ngàn đồng/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, giá gỗ nguyên liệu giảm bình quân 300 ngàn đồng/tấn. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 10 năm qua”.
Gỗ keo sau khi được bóc vỏ và được người dân ở xã Canh Hòa (Vân Canh) vác xuống núi tập kết để đưa về nhà máy chế biến.
DN ngừng thu mua
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có trên 20 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, tổng công suất hơn 1,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đầu ra của mặt hàng này lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc nên khi các DN Trung Quốc dừng thu mua là các nhà máy chế biến dăm gỗ đều gặp khó khăn, phải dừng hoạt động.
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có trên 101 ngàn ha rừng trồng, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt trên 600 ngàn tấn/năm, trong đó có hơn 56.000 ha nông dân trồng và chăm sóc. Mức giá gỗ nguyên liệu như hiện nay, người trồng rừng gần như không có lãi, việc tái đầu tư sẽ gặp khó khăn.
Ông Võ Vạn Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sông Kôn, cho biết: “Từ đầu năm đến tháng 8.2017, nhà máy xuất được 40.000 tấn dăm khô sang thị trường Trung Quốc với giá 118 USD/tấn. Đầu tháng 8.2017 đến nay, giá dăm tụt giá mạnh, không xuất thêm được lô hàng nào khác. Hiện nay, nhà máy đang tồn 16.000 tấn dăm khô. Dăm ùn ứ và không xuất được, nên Công ty tạm ngừng thu mua”.
Chung tình cảnh, nhà máy chế biến dăm của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đang tồn 30.000 tấn dăm khô. Do lượng dăm tồn quá lớn, hiện không còn chỗ chứa nên nhà máy dừng thu mua. Ông Cái Minh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, cho rằng, thời điểm này, các nước có diện tích rừng trồng lớn như Australia, Indonesia hay Malaysia đang bước vào chính vụ thu hoạch gỗ nguyên liệu giấy nên sản phẩm xuất ra rất lớn. Sản lượng, chất lượng dăm gỗ ở tỉnh ta cũng phải cạnh tranh với các nước này. Trong khi các DN thu mua dăm gỗ ở Trung Quốc giảm nhu cầu nhập khẩu. Vả lại, sau cơn bão số 12, luồng lạch ra, vào cảng Quy Nhơn bị ách tắc do tàu hàng chìm. Tàu có trọng tải lớn chưa thể ra, vào cảng để chở dăm gỗ. Đây là những nguyên nhân chính khiến gỗ dăm bị tồn đọng và rớt giá.
Hướng đến trồng rừng cây gỗ lớn
Thực tế cho thấy, xuất khẩu gỗ dăm ở tỉnh ta phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trong khi hiện nay, các DN ở nước này giảm nhập gỗ dăm, khiến DN chế biến dăm gỗ trong tỉnh lẫn người trồng rừng gặp khó khăn. Giải pháp nào để hạn chế rủi ro này? Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, nói: Thời gian tới, chủ trương của tỉnh giảm diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy, chuyển sang trồng rừng cây gỗ lớn. Trước mắt, Sở đang xây dựng đề án triển khai trồng rừng cây gỗ lớn ở các công ty lâm nghiệp trong tỉnh, sau đó nhân rộng ra các địa phương có nhiều diện tích rừng trồng như Vân Canh, Hoài Ân, Phù Cát…
Theo Sở NN&PTNT, rừng trồng sau chu kỳ 4-5 năm thay vì khai thác thì chuyển sang “dưỡng” thành cây gỗ lớn theo chu kỳ 9-10 năm. Khi đó cây gỗ lớn được khai thác không chỉ bán cho các nhà máy chế biến dăm mà còn cung ứng cho cả những DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu trên địa bàn với giá trị cao hơn 2-3 lần. Nếu rừng trồng 4-5 năm khai thác, người trồng rừng có mức doanh thu 80-100 triệu đồng/ha thì để 9-10 năm mới khai thác thì mức doanh thu có thể đạt đến 200-250 triệu đồng/ha. Hơn nữa, việc này sẽ giải quyết được bài toán, các DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh không phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ bên ngoài.
“Bên cạnh khuyến khích trồng rừng cây gỗ lớn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh rà soát, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo kết quả xử lý những trường hợp trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp; nêu rõ nguyên nhân và đề xuất giải quyết đối với các trường hợp vi phạm. Các địa phương phải kiểm soát tình trạng người dân đổ xô trồng cây keo, bạch đàn trên đất nông nghiệp nhằm ngăn chặn nguy cơ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất; gắn kết giữa việc chế biến với xây dựng vùng nguyên liệu để tránh những hệ lụy không tốt trong quy luật cung - cầu, đồng thời, tránh việc phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để trồng rừng kinh tế”, ông Hổ nhấn mạnh.
TRỌNG LỢI