Thực phẩm hữu cơ đang gây "sốt"
Thị trường thực phẩm hữu cơ (organic) đang ăn nên làm ra, còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp chân chính khai thác nhưng cũng lắm kẽ hở để những kẻ làm ăn gian dối trục lợi.
Liên tục gần một tháng nay, cứ cuối tuần, luân phiên tại siêu thị Co.opmart hoặc ở Nhà Văn hóa Thanh niên, người tiêu dùng TP HCM được tận mắt xem các đầu bếp nổi tiếng trổ tài chế biến các món ăn thuần Việt hoặc Âu, Á bằng các nguyên liệu nông sản hữu cơ Co.op Organic, đồng thời sờ tận tay, nếm tận miệng những món ăn này. Chương trình do Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op tổ chức nhằm quảng bá, cổ vũ lối sống hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ do hệ thống này hợp tác sản xuất - kinh doanh.
Hàng không đủ bán
Hồi tháng 5.2017, Saigon Co.op chính thức công bố và ra mắt thương hiệu Co.op Organic, giới thiệu ra thị trường TP HCM các nhóm hữu cơ gồm gạo Jasmine, Japonica, dưa leo, bí đao, cà chua, cải ngọt, cải xanh, rau muống, phi-lê cá basa, tôm sú... cũng như kế hoạch phát triển chuỗi sản phẩm hữu cơ. Vốn có lợi thế về hệ thống phân phối và nắm bắt nhu cầu khách hàng, Saigon Co.op đã tham gia đầu tư vào trang trại hữu cơ quy mô hơn 300 ha của Công ty CP Thương mại - Sản xuất Viễn Phú và hợp tác phân phối một số sản phẩm của 2 công ty Binca Seafood, Vinamit. Các công ty này đều đã được các tổ chức USDA (Mỹ) và châu Âu cấp chứng nhận về sản xuất hữu cơ.
Sau hơn nửa năm được bày bán tại 6 siêu thị Co.opmart và đại siêu thị Co.opXtra, được khách hàng tin dùng, đến nay, sản lượng Co.op Organic vẫn không đủ bán. Hai công ty Viễn Phú và Vinamit ngoài danh mục hợp tác với Saigon Co.op còn có hệ thống phân phối riêng, bán những mặt hàng hữu cơ khác và cũng luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết Saigon Co.op đang tiếp tục tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư vào các trang trại hữu cơ khác, nhân rộng điểm bán và phát triển phong phú thêm danh mục sản phẩm hữu cơ theo đúng nhu cầu của thị trường, hướng tới trở thành đơn vị dẫn đầu trong chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu dùng sản phẩm hữu cơ tại thị trường Việt Nam và hướng đến xuất khẩu.
"Ma trận" thị trường
Thực tế trên cho thấy sức nóng của thị trường thực phẩm hữu cơ. Theo tính toán của các doanh nghiệp (DN), thực phẩm hữu cơ là phân khúc "ngách" nhưng chỉ cần chiếm được vài phần trăm trong thị trường này thì doanh thu và lợi nhuận đạt được là không hề nhỏ. Trong giai đoạn tiêu dùng sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng của thị dân, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để có thể mua được những sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy vậy, số lượng DN đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ chưa nhiều (trên cả nước chỉ có gần 30 đơn vị sản xuất nông sản hữu cơ - theo Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ); phần lớn DN làm hữu cơ để xuất khẩu, chỉ dành một phần nhỏ sản lượng cho thị trường nội địa. Trong nước, khoảng 2 năm trở lại đây, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ mọc lên ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng tăng. Bên cạnh những cửa hàng mua bán thực phẩm hữu cơ thật, có chứng nhận chất lượng rõ ràng cũng có không ít nơi vì ham lợi nhuận cao mà ăn theo phong trào, pha trộn hoặc dán nhãn hữu cơ cho những sản phẩm không phải hữu cơ để đánh lừa người tiêu dùng.
Ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú, cho biết làm nông nghiệp hữu cơ chi phí lớn, giá thành cao nên giá bán đắt hơn nhiều so với loại không sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, trồng nông sản hữu cơ không dùng phân bón hóa học nên còn phụ thuộc thời tiết, khí hậu, sản lượng thấp... hầu hết trang trại đều không đủ cung ứng.
"Có những cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ, chủ cửa hàng chỉ đăng ký chứng nhận 1 ha hữu cơ nhưng có sản phẩm bán khắp nước và quanh năm! Hoặc cửa hàng bán sản phẩm quảng cáo là hữu cơ nhưng xuất xứ không rõ ràng, không truy xuất được nguồn gốc... khiến người tiêu dùng bị cuốn vào "ma trận" thật - giả này nên rất hoang mang. Hiện lĩnh vực này chưa được các cơ quan quản lý sâu sát, cũng chưa có tiêu chuẩn chứng nhận thế nào là sản phẩm hữu cơ, người tiêu dùng có nhu cầu thì chỉ còn cách tự tìm hiểu về thực phẩm hữu cơ, các thông tin liên quan đến đơn vị sản xuất, vùng đất, sản lượng... để mua đúng hàng, đúng giá" - ông Khải bình luận.
Rà soát, sàng lọc hoạt động kinh doanh
Để kiểm soát hoạt động sản xuất - kinh doanh thực phẩm hữu cơ và hướng tới bảo vệ chính đáng quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo có quy định rõ tiêu chuẩn cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ. Theo đó, cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ phải đáp ứng một số tiêu chí về tiêu chuẩn cấp phép (phân phối sản phẩm cho bao nhiêu nhà cung cấp thực phẩm hữu cơ, sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc…). Nếu quy định này được áp dụng sẽ góp phần sàng lọc các cửa hàng và cung cấp các địa chỉ uy tín, tin cậy cho người tiêu dùng.
Trước mắt, tại TP HCM, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, sở này sẽ rà soát lại việc nhập hàng, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm tự sản xuất cũng như việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm hữu cơ trên thị trường nhằm nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ sản phẩm hữu cơ đến với người tiêu dùng thuận lợi hơn.
Theo NLĐ