Vở tuồng Chàng Lía: Quen thuộc nhưng vẫn hấp dẫn
Khai thác ở một đề tài rất quen, song nhờ giàu sáng tạo về hình thức nghệ thuật, vở tuồng Chàng Lía (kịch bản: Đoàn Thanh Tâm, đạo diễn: NSND Hoài Huệ) vẫn hấp dẫn. Đây là vở diễn mới nhất của Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Đạo diễn - NSND Hoài Huệ cho rằng, so với nhiều cuộc khởi nghĩa khác, khởi nghĩa Truông Mây ít được chính sử ghi nhận mà chủ yếu chỉ tồn tại trong tâm thức dân gian, văn học nghệ thuật. Nguyên nhân chính có lẽ là bởi “điều tiếng” ở Chàng Lía (thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân lại lấy thiếp quan lại phong kiến làm vợ, khởi nghĩa thất bại vì nội gián này). Trên tinh thần “nhìn lại” quá khứ theo hướng nhân bản, vở diễn cảm thông với bi kịch của nhân vật, hướng đến đề cao tình yêu, giá trị nhân bản ở con người.
Giữa chiến tranh loạn lạc, Lía có ngờ đâu người phụ nữ mà chàng giải cứu lại là vợ kẻ thù, để rồi tình yêu nảy nở không chút hồ nghi. Khán giả xem vở chắc hẳn khó quên phân cảnh cuối khi thủ lĩnh Truông Mây trong nỗi đau tột cùng: sự nghiệp đại bại, bản thân là tội đồ đã đẩy bao người vào cái chết, tình yêu, cuộc đời mình trở thành vết nhơ cho bia miệng ngàn đời. Cả nhân vật vợ Lía cũng vậy, ban đầu chỉ là lợi dụng Lía để thoát thân, sau nuôi chí trả thù nhưng khi sống ở Truông Mây, gần Lía, gần với những người nông dân cùng khổ, nhân nghĩa đã cảm hóa được người vốn ở thế đối đầu. Người phụ nữ ấy đã sống trong giằng xé giữa yêu và hận. Nàng chuốc mê Lía, nghĩa binh, gián tiếp đẩy cuộc khởi nghĩa vào thất bại; nhưng cũng chính nàng đã hứng một đường gươm để bảo vệ đồng thời tạ tội với Lía. Vở diễn đã ánh lên vẻ đẹp của tình yêu và thiên lương nhờ những chi tiết như vậy.
Bên cạnh sức hấp dẫn của một sân khấu không tắt đèn chuyển cảnh như tuồng truyền thống, cảnh trí đẹp, đặc biệt phần âm nhạc khá hay, sự tiến bộ vượt bậc của dàn diễn viên trẻ là điều rất đáng khen.
SAO LY