Lan man với mỹ thuật Bình Ðịnh
So với các ngành nghệ thuật khác ở Bình Ðịnh, mỹ thuật trầm lắng, ít tiếp xúc với công chúng hơn. Ngay ở Quy Nhơn, thành phố tỉnh lỵ, không có phòng tranh (gallery) nào. Thảng hoặc vài ba năm, công chúng mới được xem một triển lãm mỹ thuật…
Năm 1985 khi còn tỉnh Nghĩa Bình, nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng tỉnh nhà, Hội VHNT tỉnh Nghĩa Bình tổ chức một cuộc triển lãm mỹ thuật hoành tráng tại nhà số 28 Nguyễn Huệ - Quy Nhơn. Đó là lần đầu tiên tôi được xem tranh của các họa sĩ Phạm Đình Khương, Lương Lu, được săm soi tượng tròn của nữ nghệ sĩ điêu khắc Vũ Xuân Trường, phù điêu của nghệ sĩ Trần Tía… Tại những năm 80 của thế kỷ trước, ở một nơi như Quy Nhơn, đời sống tinh thần còn nghèo nàn, những cuộc tiếp xúc như vậy, với tôi là một nguồn dưỡng chất lớn lao.
Không chỉ có vậy, thỉnh thoảng các họa sĩ cũng trình làng một triển lãm, trưng bày nhỏ, mà cuộc triển lãm mini của 3 họa sĩ trẻ Chơn Hiền, Viết Hiền và Tuấn Sơn (1987) là một ví dụ. Khi ấy bức Chân dung tự họa của anh Tuấn Sơn gây ấn tượng rất mạnh trong tôi, tranh vẽ hai cẳng chân khẳng khiu thò qua khung cửa sổ, chấm hết. Nhiều năm sau, tôi biết họa sĩ Tuấn Sơn gần như không còn sáng tác nữa, đó là một trường hợp rất đáng tiếc. Và đáng tiếc hơn nữa đó không phải là trường hợp duy nhất.
* * *
Ở thành phố của chúng ta, quanh năm, gần như không có hoạt động mỹ thuật nào. Một đôi lần, các họa sĩ trưng bày tác phẩm ở văn phòng Hội, ở hành lang Trung tâm Văn hóa tỉnh. Một vài năm, Hội lại đăng cai một cuộc triển lãm khu vực.
Có phải vì chúng ta thiếu tác phẩm, hay là vì họa sĩ Bình Định có nhiều người rẽ ngang như các anh Tuấn Sơn, Viết Hiền? Phần đông các anh chị đều là công chức, viên chức, sống bằng một công việc khác. Vừa rồi, tại Triển lãm mỹ thuật khu vực miền Trung mở rộng, tôi vui mừng khi thấy các anh chị có nhiều tác phẩm. Có khá nhiều tác phẩm được công chúng tán thưởng, điển hình như: Nắng qua vùng lũ của Nguyễn Văn Cần, Hồn Việt của Nguyễn Đắc Lợi, Thu lưới của Lê Duy Khanh, Xưởng đóng tàu của Lê Thị Tuấn, Trên từng lát cá - sắp đặt, sắt hàn kết hợp gỗ - của Lê Trọng Nghĩa… Chỉ có một điều khiến tôi thấy gờn gợn, cái đẹp thì không mới, còn cái mới dường như không đẹp.
Tôi nghĩ mỹ thuật không chỉ có tranh, tượng. Những năm 90 của thế kỷ trước, anh Khổng Xuân Hiền vẽ logo tượng Quang Trung bằng máy tính. Nhưng nó đẹp và sau đó tràn ngập trên mọi nhãn hiệu hàng hóa ở Bình Định. Logo DN InforComputer của anh cũng rất đẹp. Anh Hiền không phải là họa sĩ nhưng anh có tâm hồn của một nghệ sĩ và có tác phẩm đẹp.
Quãng năm 1996 - 1997, khi cầm trên tay tập truyện ngắn Những thời gian hoang phế của anh Lê Hoài Lương, tôi thích ngay cái bìa. Tôi rất thích và chủ ý tìm cho được anh Lê Duy Khanh để chia sẻ cảm xúc và để khen... Sở hữu một cuốn sách có cái bìa đẹp với tôi còn có thêm niềm vui nho nhỏ - sở hữu một tác phẩm mỹ thuật. Đó là lý do vì sao tôi mua khá nhiều sách do họa sĩ nổi tiếng Trịnh Cung làm bìa. Rất nhiều bạn bè đã chia sẻ niềm vui bìa sách đẹp với tôi.
Một cái bìa sách, một cái logo cũng có thể tạo nên những cảm xúc đẹp đẽ như một bức phù điêu, một bức tranh. Và những cuộc tranh luận sôi nổi liên quan đến những sự kiện có yếu tố mỹ thuật ở ta, trên nhiều diễn đàn, cho thấy công chúng chưa bao giờ ngừng dõi theo các họa sĩ.
TRẦN BÁ PHÙNG