Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 khai mạc sáng nay
VBF 2017 với chủ đề “20 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020”.
Nâng cao năng suất, thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân nhằm cải thiện tình hình tài chính và môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá, là nội dung trọng tâm của "Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2017”. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 tổ chức chiều 11.12, tại Hà Nội.
Với chủ đề “20 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020”, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2017 diễn ra vào sáng 12.12, đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập Diễn đàn Doanh nghiệp (1997-2017).
Đây là cơ hội để nhìn lại những đóng góp của Diễn đàn Doanh nghiệp suốt 20 năm qua, đồng thời, tiếp tục thể hiện tính kết nối từ phía cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Diễn đàn dự kiến gồm 3 phiên, với các chủ đề: nâng cao năng suất và các nhân tố thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp; thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân nhằm cải thiện tình hình tài chính và cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá.
Ông Vũ Tiến Lộc, Đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đến nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Hàng loạt quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân được đưa ra như: Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020... Cùng với sự quyết tâm từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng có những chuyển biến rõ rệt về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại.
Cụ thể, nhiều vấn đề nổi lên khiến doanh nghiệp lo ngại, đặc biệt là chi phí kinh doanh đang ở mức cao và tăng nhanh. Mức lương tối thiểu tăng cao hơn tăng năng suất, kéo theo các quỹ bảo hiểm xã hội, công đoàn; chi phí logistics, chi phí về hành chính còn cao và kém cạnh tranh so với nhiều nước.
Bên cạnh đó, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa hiệu quả. Sự cộng tác giữa doanh nghiệp trong nước về công nghiệp hỗ trợ còn thấp.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn diễn đàn tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động đối thoại, không chỉ nhằm vào những vấn đề về thể chế, chính sách nói chung mà còn phải nhằm vào một trong những trọng tâm là đưa ra những hiến kế và những cơ chế cụ thể để thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Chỉ bằng cách đó thì mới tạo nên 1 cơ cấu kinh tế bền vững trên cơ sở cộng sinh cùng có lợi và cùng phát triển giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Phải đảm bảo rằng các lợi ích, các chính sách mà chúng ta tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng phải được san sẻ cho các doanh nghiệp Việt Nam"./.
Theo Cẩm Tú (VOV)