Tạo việc làm, thu nhập từ học nghề nông thôn
Một số bà con nông dân ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn sau khi tham gia học nghề, được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp, đã đầu tư trồng nấm tại gia đình và có thu nhập hàng ngày.
Anh Nguyễn Thiệu chuẩn bị vật tư sản xuất nấm rơm. Ảnh: Đ.M.T
Chị Phan Thị Gái, ở thôn An Vinh 2, học viên lớp học nghề trồng và nhân giống nấm, đã tận dụng đất vườn nhà để xây dựng trại trồng nấm rơm. Chị cho biết, có sẵn rơm rạ, ngay từ khâu thực hành của lớp học chị đã áp dụng sản xuất nấm rơm tại gia đình theo phương châm vừa học, vừa làm. Qua 4 lứa trồng nấm với quy mô 1 sào rơm /lứa nấm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị còn lãi 4 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ nấm sò mới trồng. Chị đã có kế hoạch đầu tư quy mô sản xuất nấm rơm lên gấp đôi trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Văn Thảo, lớp trưởng lớp trồng và nhân giống nấm, chia sẻ: “Tạo việc làm có hiệu quả cho nông dân Tây Vinh là bài toán khó với địa phương. Trước đây một số người làm nhang, may thảm lót sàn..., nhưng thu nhập bấp bênh. Có nghề trồng nấm, bà con phát huy được nguyên liệu rơm rạ tại chỗ. Có thể nói làm ruộng và trồng nấm là 2 nghề song hành có hiệu quả. Gia đình tôi cũng có thu nhập khá từ trồng nấm”.
Bà Trần Thị Bích Lệ, Giám đốc Trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên huyện Tây Sơn, nhận xét: “Lớp trồng và nhân giống nấm tổ chức ở Tây Vinh trong năm 2017 đã đáp ứng nguyện vọng của bà con với 20 học viên tham gia và có 20/20 học viên được cấp chứng chỉ nghề. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy các học viên đã vận dụng khá tốt kỹ năng nghề được chuyển giao để tạo việc làm tại chỗ cho gia đình lúc nông nhàn. Giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nông dân từ học nghề là mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương”.
ĐÀO MINH TRUNG