Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu tuồng Bình Định
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình tượng tiêu biểu của đất nước Việt Nam, có sức hút kỳ lạ với mọi người, mọi nền văn hóa và mọi tài năng văn học nghệ thuật. Hình tượng Bác Hồ được nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công ở nhiều loại hình nghệ thuật như: cải lương, kịch nói, chèo… Tuồng Bình Ðịnh từng thành công khi thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở “Sáng mãi niềm tin”.
1. Nối tiếp các tác phẩm thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh như “Người công dân số một” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Đêm trắng” (Đoàn kịch Trường Sơn), “Lịch sử và nhân chứng” (Đoàn kịch Hải Phòng), “Vần thơ thép” (Nhà hát Chèo Việt Nam)…, Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã xây dựng vở “Sáng mãi niềm tin” của tác giả Lê Duy Hạnh. Vở diễn khắc họa đậm nét trên sân khấu tuồng hình tượng các chiến sĩ cách mạng kiên trung Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong… đặc biệt là hình tượng Bác Hồ.
Việc thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là điều không hề dễ, bởi vai diễn không chỉ đòi hỏi giống về ngoại hình mà còn phải giống cốt cách, tâm hồn của một vị lãnh tụ vĩ đại được cả dân tộc tôn kính. Vào vai Hồ Chủ tịch, nếu diễn tốt thì được tôn vinh, ca ngợi còn ngược lại dễ gây sự phản cảm trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của diễn viên. Càng khó khăn hơn với “Sáng mãi niềm tin”, bởi đây là vở diễn đầu tiên đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu tuồng, những người thực hiện chưa có kinh nghiệm nào để “Bác Hồ” hát đúng bản chất của Tuồng.
2. Khó khăn, thử thách là vậy, nhưng bằng tài năng, sự quyết tâm cùng tình cảm sâu nặng với Bác và những dấu ấn sâu sắc qua nhiều lần gặp Bác, NSND Võ Sỹ Thừa đã thể hiện thành công vai Hồ Chủ tịch trong vở “Sáng mãi niềm tin” tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 (được tổ chức ở TP Nha Trang). Sinh thời NSND Võ Sỹ Thừa từng tâm sự: “Hơn một năm trời tôi luôn trăn trở, băn khoăn, những trải nghiệm qua những lần được gặp Bác Hồ trong tôi lại hiện về. Đó là động lực và niềm tin thôi thúc tôi cố gắng thể hiện tốt vai Hồ Chủ tịch mà không có sơ suất nào. Trong những thành tích có được, tôi vẫn trân trọng và quý nhất là tấm huy chương Vàng vai Hồ Chủ tịch trong vở “Sáng mãi niềm tin””.
Để có được thành công đó, NSND Võ Sỹ Thừa đã dồn hết tâm lực nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi lên sàn diễn. NSƯT Tuyết Mai, con gái của NSND Võ Sỹ Thừa, kể lại: “Ba tôi kiên trì tập nói tiếng nói của Bác, tập động tác giơ tay sao cho giống Bác. Đặc biệt là đẩy kịch lên đến cao trào để “Bác” hát Nam trong tuồng là điều rất khó. Vậy mà ba vẫn muốn thử nghiệm. Đến buổi diễn chính thức, ba tôi chuẩn bị rất chu đáo cả về quần áo, đầu tóc, râu và ngồi hóa trang suốt 3 giờ đồng hồ rồi tập trung tư tưởng để thể hiện vai mà không nói chuyện với bất kỳ ai”.
Cuối cùng, NSND Võ Sỹ Thừa đã làm được điều rất khó khăn. Sau câu hát Nam đầy xúc động của “Bác Hồ”: “Minh Khai! Minh Khai… Vậy là giặc cướp mất em rồi…/ Non sông mất một con người/ Ra đi để lại cho đời tiếc thương” là tiếng vỗ tay dồn dập tán thưởng của Hội đồng giám khảo lẫn khán giả. Đạo diễn Đình Nghi nói rất to: “Ai bảo Bác Hồ không hát tuồng được. Bác Hồ hát tuồng rất hay”.
Cũng như các nghệ sĩ tên tuổi đã từng diễn tốt vai Hồ Chủ tịch ở các loại hình sân khấu khác như Sỹ Hùng, Tiến Hợi, Đức Trung… vai Hồ Chủ tịch là một trong những vai diễn để đời, làm nên tên tuổi của NSND Võ Sỹ Thừa. Ông đã thể hiện tốt vai này với cả tinh thần trách nhiệm, tấm lòng chân thành, sự quý trọng đối với vị Cha già của dân tộc. Trả lời phỏng vấn của báo chí, cố NSND Võ Sỹ Thừa chia sẻ: “Xã hội cũ cho chúng tôi là “xướng ca vô loài”, chúng tôi như bị chôn vùi dưới bùn nhơ. Bác Hồ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã “vớt” chúng tôi lên, cho chúng tôi trở lại kiếp làm người, như cha sinh mẹ đẻ nuôi dạy thành người nên chúng tôi phải đáp đền ơn sâu nghĩa nặng đó. Nghĩ như vậy và làm như vậy”.
3. Việc đưa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh lên sân khấu tuồng Bình Định là một bước đột phá mới, khẳng định nghệ thuật tuồng cũng có “sân” dành cho nghệ sĩ thể hiện tình cảm, tấm lòng thành kính với Bác Hồ. Qua đó, khán giả “ghiền” tuồng khắp mọi miền cũng có dịp được “thấy” Bác dù chỉ qua hình tượng nghệ thuật. Mặt khác, thông qua việc xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu tuồng Bình Định, những người làm nghề muốn nhấn mạnh, đề cao tư tưởng, đạo đức của Người, mở ra một cách tiếp cận mới về Bác - “Một con người bình thường đến mức lạ thường”, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
NGUYỄN THÚY HƯỜNG