Ðiện tăng giá, doanh nghiệp tìm cách thích ứng
Từ ngày 1.12, giá bán điện cho lĩnh vực sản xuất tăng từ 1,4 - 6,4%; giá điện kinh doanh dịch vụ tăng trung bình 5,7%. Hiện các DN trong tỉnh đang tìm cách thích ứng bằng biện pháp bố trí lại sản xuất, đổi mới công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý… nhằm giảm chi phí tiêu hao năng lượng.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy ống thép Hoa Sen Nhơn Hội. Ảnh: T.UYÊN
Tiết kiệm điện
Ông Văn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội, cho biết: Nhà máy thép Hoa Sen Nhơn Hội sử dụng trung bình 3,8 MW/tháng, tương đương với 3,5 tỉ đồng tiền điện. Với mức giá điện tăng áp dụng đối với nhà máy, mỗi tháng phải trả thêm 200 - 300 triệu đồng tiền điện. Trước mắt, chúng tôi tăng cường bố trí ca vào giờ thấp điểm đối với những dây chuyền sản xuất không liên tục; tổ chức khuôn viên sản xuất, ánh sáng hợp lý. Về lâu dài, sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, trang thiết bị hiện đại để giảm chi phí năng lượng.
Bố trí khâu dịch vụ chủ động như giặt ủi vào giờ thấp điểm cũng là một trong những cách tiết kiệm điện của Khách sạn (KS) Hải Âu, ông Vũ Văn Đồng, Trưởng phòng Kỹ thuật - Bảo trì KS, cho biết. KS hạn chế mở máy lạnh vào mùa lạnh, mở thoáng cửa vào mùa nóng; tắt máy lạnh ngay sau khi khách trả phòng; thành lập ban tiết kiệm điện, nước; lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện; sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời... Nhờ vậy, tỉ lệ tiền điện trên doanh thu liên tục được kéo giảm (năm 2016 là 8%, năm 2017 giảm còn 7%). Năm 2018, KS sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị công nghệ mới như đèn cảm quang tự động bật/tắt tại khu vực công cộng…
Với ngành gỗ, tuy chưa có thông báo chính thức nhưng giá điện sẽ tăng 6,08% - ông Lê Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định cho biết. Nhiều DN gỗ đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng việc này chỉ giải quyết được phần nào khó khăn vì đã tiết kiệm tới mức triệt để, khó có thể cắt giảm điện năng tiêu thụ nhiều hơn nữa.
Cố gắng giữ giá
Các chuyên gia kinh tế tính toán, tiền điện chiếm tỉ lệ cao (25% - 30%) trong tổng chi phí sản xuất công nghiệp. Phần lớn DN sản xuất trong tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, năng lực thích ứng với thị trường và khả năng hội nhập hạn chế, nên tác động của việc tăng giá điện đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh càng rõ nét hơn.
Theo ông Văn Thành Trung, giá điện tăng cộng với giá nguyên liệu đầu vào tăng do các nhà cung cấp cũng chịu tác động của việc tăng giá điện, khiến giá thành sản xuất thép sẽ “đội” thêm 6 - 8%. Đây là điều đáng lo ngại vì giá cao sẽ khiến thép Việt khó cạnh tranh với thép Trung Quốc không những ở thị trường quốc tế mà còn ngay trên sân nhà.
Với KS Hải Âu, giá điện tăng 1% thì doanh thu của KS giảm 0,2%. “Chấp nhận điều này, KS vẫn cố gắng giữ giá dịch vụ, không bắt khách hàng phải gánh”, ông Vũ Văn Đồng khẳng định.
“Giá điện tăng cũng làm nhiều DN ngành gỗ thêm chật vật. Nhà nước nên tính toán lại mức tăng và giãn thời gian tăng giá để DN phân bổ chi phí hợp lý. Điều bất cập nữa là DN hoạch định giá cả từ đầu mùa. Ngành Điện đột ngột tăng giá khiến chúng tôi trở tay không kịp. DN không thể tăng giá bán thường xuyên mà phải cố gắng giữ giá ổn định 2-3 năm, thậm chí giảm giá. Các DN chế biến gỗ đang tính tới phương án cắt giảm đơn hàng trái vụ, chấp nhận giảm lợi nhuận vì nếu bán giá cao sẽ mất khách hàng”, ông Thiện chia sẻ.
NHẤT THI