Bộ luật Hình sự 2017: Nhân văn, sát thực tế cuộc sống
Bắt đầu từ ngày 1.1.2018, Luật số 12/2017/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sau đây gọi là BLHS 2017) chính thức có hiệu lực. Nhiều ý kiến cho rằng, so với BLHS 1999 và 2015, BLHS 2017 đã có nhiều thay đổi đáng kể theo hướng nhân văn hơn và sát với thực tế cuộc sống.
Ông Đỗ Tấn Phước giới thiệu những điểm mới của BLHS 2017.
BLHS số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27.11.2015. Tuy nhiên, do phát hiện một số lỗi kỹ thuật nên được tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; đến ngày 20.6.2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã ban hành BLHS 2017. Theo ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trị an, an ninh, ma túy (Viện KSND tỉnh), BLHS 2017 đã khắc phục triệt để những lỗi kỹ thuật trong BLHS 2015 và những nội dung chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể. Từ đó bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS.
Ngày 13.12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định số 22/2017/NÐ-CP ngày 24.2.2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chủ trì hội nghị.
Đáng chú ý, về quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, BLHS 2017 đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 theo hướng kế thừa quan điểm của BLHS năm 1999 là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong 28 tội danh cụ thể. “Đây là thay đổi mang tính nhân văn, bảo đảm tính nhất quán trong chủ trương nhân đạo hóa chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi”, ông Phước nhận định.
Thêm một điểm mới đáng quan tâm là các quy định liên quan đến các hành vi phá rừng, bởi trên địa bàn tỉnh thời gian qua xảy ra một số vụ có tính chất nghiêm trọng. Về nội dung này, BLHS năm 1999 quy định mang tính định tính. BLHS 2015 lại định lượng cụ thể đối với các hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; trong đó có khai thác trái phép rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tuy nhiên, không có sự phân biệt loại rừng trồng hay rừng tự nhiên. “BLHS 2017 phân hóa, định lượng cụ thể các hành vi khai thác trái phép đối với 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) gắn với nguồn gốc là rừng trồng hay rừng tự nhiên. Theo đó, cơ bản giữ mức định lượng của BLHS 2015 để quy định cho loại rừng trồng; đồng thời bổ sung mức định lượng mới, thấp hơn mức định lượng của loại rừng trồng đối với hành vi khai thác trái phép rừng tự nhiên”, ông Phước phân tích.
Bên cạnh đó, BLHS 2017 cũng có thay đổi đáng kể trong quy định xử lý các vụ TNGT. Theo khoản 1 Điều 202 BLHS 2015, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về ATGT đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Theo hướng dẫn, gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên được xem là “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác” và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, với BLHS 2017, mức tỉ lệ này nâng lên 61%, đồng thời miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp xứng đáng.
Theo ông Lâm Thanh Tùng, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, đây là thay đổi rất có ý nghĩa. Trên thực tế, đặc biệt là tại các vùng miền núi, có nhiều vụ TNGT do vô ý, chồng chở vợ, cha chở con, hay bạn bè chở nhau, người phía sau té bị thương nặng hay tử vong, người ngồi trước phải vào tù. “Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp này là cần thiết, để người gây ra tai nạn tiếp tục làm việc, có thu nhập để có đủ điều kiện khắc phục thiệt hại do mình gây ra”, ông Tùng nói.
NGUYỄN VĂN TRANG