Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, chủ động sản xuất vụ Ðông Xuân
Sau mấy đợt mưa lũ liên tục, bên cạnh việc giúp người dân vùng lũ ổn định cuộc sống, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã nỗ lực sửa chữa, khắc phục hệ thống thủy lợi bị mưa lũ làm hư hỏng, khôi phục diện tích đất bị sa bồi thủy phá, tập trung triển khai sản xuất vụ Ðông Xuân 2017-2018.
Nông dân Tuy Phước cải tạo đồng ruộng chuẩn bị sản xuất vụ ĐX 2017-2018.
Nhiều công trình thủy lợi đã được sửa chữa
Sau khi kiểm tra, xác định các hạng mục công trình bị hư hỏng bởi mưa lũ, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện và vật liệu tiến hành khắc phục, sửa chữa. Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty, cho biết: Đơn vị đã đầu tư trên 3,3 tỉ đồng sửa chữa tạm khu vực hạ lưu đập dâng Lại Giang (Hoài Nhơn) và hệ thống bờ tả hạ lưu đập dâng Cây Gai, xã Cát Lâm (Phù Cát) bị sạt lở; đồng thời gia cố hệ thống kênh tưới Văn Phong trên địa bàn huyện Tây Sơn và huyện Phù Cát bị sạt lở, hư hỏng... Đến nay, Công ty đã cơ bản khắc phục xong 60 hạng mục công trình thủy lợi bị mưa lũ làm hư hỏng, đảm bảo phục vụ sản xuất Đông Xuân (ĐX) 2017-2018.
“Duy trì mối liên kết “4 nhà” để phát triển các cánh đồng tiên tiến, cánh đồng mẫu lớn và triển khai thí điểm cánh đồng lớn, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích”
Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ cũng được chính quyền các địa phương triển khai một cách khẩn trương. Tại huyện Hoài Ân, bên cạnh việc hỗ trợ cho 3 hộ dân có nhà bị sập và các hộ dân bị ngập lũ, UBND huyện đã trích ngân sách 2 tỉ đồng để sửa chữa khẩn cấp thân tràn hồ chứa nước Mỹ Đức ở xã Ân Mỹ và hồ Kim Sơn, xã Ân Hữu; nạo vét kênh mương nội đồng bị bồi lấp và tu sửa nhiều công trình giao thông, phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân.
Huyện Tuy Phước cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên 4 hộ dân có nhà ở bị sập; cấp phát 300 tấn gạo cho các hộ dân bị nước lũ cô lập nhiều ngày. Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Bên cạnh công tác giúp dân ổn định cuộc sống, việc chuẩn bị sản xuất vụ ĐX 2017-2018 cũng rất cấp bách. UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương hàn khẩu các đoạn đê bị vỡ, nhất là đoạn đê sông Côn, Gò Chàm và Cây Me thuộc địa bàn các xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Sơn, không để nước vào đồng ruộng. Huy động nhân dân cùng lực lượng bộ đội, thanh niên xung kích tập trung hàn khẩu, gia cố tạm các tuyến kênh mương nội đồng bị vở, sạt lở; khôi phục 40 ha đất sản xuất bị sa bồi thủy phá để đưa vào sản xuất trong vụ ĐX này.
Bên cạnh việc khắc phục hậu quả mưa lũ, các địa phương trong tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo các HTXNN và bà con nông dân cải tạo đồng ruộng xuống giống kịp thời vụ.
Tập trung chỉ đạo sản xuất
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Diện tích sản xuất (48.192 ha lúa, 2.604 ha bắp; 7.464 ha đậu phụng; 6.645 ha rau các loại) và lịch thời vụ sản xuất ĐX năm 2017-2018 không thay đổi so với trước khi xảy ra các đợt mưa lũ đầu tháng 12. Nguồn lúa giống phục vụ sản xuất không thiếu. Trung tâm Giống cây trồng tỉnh cũng đã cung ứng cho các địa phương trên 80 tấn lúa lai để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ được 3.121 ha lúa ĐX. Hiện các địa phương đang tập trung chỉ đạo nông dân tiếp tục gieo sạ trên chân đất 3 vụ và 2 vụ lúa/năm theo đúng kế hoạch.
Cũng theo ông Đào Văn Hùng, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, Sở NN&PTNT cùng các địa phương đẩy mạnh công tác chỉ đạo nông dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất. Trên cơ sở lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa chung của tỉnh, bố trí thời điểm gieo sạ phù hợp cho từng vùng, từng điều kiện cụ thể. Hướng dẫn quy trình ngâm ủ giống và quy trình đầu tư, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây trồng phát huy tiềm năng về năng suất một cách tốt nhất.
Duy trì mối liên kết “4 nhà” để phát triển các cánh đồng tiên tiến, cánh đồng mẫu lớn và triển khai thí điểm cánh đồng lớn, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện tốt các Chương trình, đề án, dự án của ngành Nông nghiệp và chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng của tỉnh, nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương quản lý, vận hành tốt các công trình hồ chứa nước, bảo đảm nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.
PHẠM TIẾN SỸ