Một người mê sưu tập xe đạp cổ
Hơn 30 năm, ông Nguyễn Bá Thạnh (58 tuổi ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) đã sưu tầm gần chục chiếc xe cổ. Những nhãn hiệu xe đạp Peugeot, Aviac Marila, Mercier, Joang Fonix, Sterling của Pháp sản xuất hay Favorit của Tiệp Khắc… đã gắn liền với ký ức của nhiều người từ hồi đầu thế kỷ XX. Thời bao cấp, có được một chiếc xe đạp là tài sản có giá trị cao, được quản lý như xe máy, có biển số, giấy chứng nhận. Ở Bình Định, xe đạp nhập ngoại từ Tiệp Khắc, Đông Đức, Pháp… là dấu hiệu chỉ những gia đình “có điều kiện”.
Ông Thạnh lau chùi, bảo dưỡng những chiếc xe đạp cổ trong bộ sưu tập của mình.
Ông Thạnh kể, ngày ấy nhà ông rất nghèo, chiếc xe đạp là niềm mơ ước. Năm 1978, được anh rể tặng một chiếc xe đạp, ông còn ngây ngất hàng năm trời. Dạo đó, thứ gì có giá trị cao đều được tính bằng vàng, một chiếc xe Alcyon Radsonne của Pháp có giá tới 1 chỉ vàng. Mà 1 chỉ vàng khi ấy có thể mua được một cái nhà nho nhỏ. Xe đạp hiện diện khắp mọi nơi mọi lúc trong cuộc sống. Tình cảm sâu đậm với xe đạp, tôi bắt đầu mê những chiếc xe đạp cổ từ lúc đó.
Chiếc xe đạp cổ đầu tiên mà ông Thạnh sở hữu là một chiếc Alcyon Radsonne (Pháp). Sau đó, nghe ở đâu có xe đạp cũ là ông đến xin mua. Hôm tôi đến chơi, chỉ chiếc xe đạp Peugeot sản xuất năm 1959 còn mới leng keng, ông bảo: Nó vốn được một người bạn gác lên chuồng bò rồi quên luôn. Ông mua về và mất hết 5 tháng trời để sửa sang lại.
Hầu hết những chiếc xe đạp cổ trong bộ sưu tập của ông Thạnh đều làm bằng hợp kim nhôm. Nhờ tu chỉnh tốt, công phu nên còn khá nguyên vẹn so với nguyên bản, đủ cả chuông, đèn xe; thậm chí cả chiếc ống bơm theo xe, hộp đựng đồ nghề, phụ tùng, bình nước… đều còn rất tốt.
Nhiều người mê xe đạp, nằn nì ông nhượng lại, có chiếc lên đến giá gần 40 triệu đồng nhưng ông Thạnh nhã nhặn từ chối. Ông tâm sự: “Nó là thú vui của mình. Để có một chiếc xe hoàn chỉnh, gần với nguyên bản mất nhiều công sức, thời gian lắm. Thành ra mỗi một chiếc xe chất chứa rất nhiều kỷ niệm!”.
Là cán bộ Trung tâm VH-TT&TT huyện Phù Cát, phụ trách mảng văn hóa, ông Thạnh luôn tìm cách lưu giữ, động viên nhiều người cùng giữ gìn những giá trị văn hóa, nhất là văn hóa địa phương, giúp cuộc sống muôn màu hơn.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện, cho biết: Anh Thạnh có thú vui sưu tầm xe đạp cổ từ rất lâu. Quanh chiếc xe đạp thôi mà có rất nhiều chuyện liên quan thú vị, anh ấy xuống cơ sở cũng bằng xe đạp, hết lòng vì bà con, luôn được mọi người yêu quý ”.
Để thỏa mãn niềm đam mê, ông Thạnh và 10 người bạn đã lập ra hội đi xe đạp nhằm tăng cường sức khỏe. “Tùy vào kinh tế của mỗi người, chúng tôi lập hội chơi xe đạp cổ một phần là vì đam mê, nhưng quan trọng hơn chúng tôi muốn lan tỏa, giúp mọi người hiểu và lưu giữ kỷ niệm và cùng nhau bảo vệ sức khỏe”- ông Phan Văn Miển, một thành viên của hội tâm sự.
ÐĂNG LÊ CÔNG VIỆT