Phù Mỹ xây dựng, tôn tạo các khu di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh:
Để mãi tự hào
Hơn 38 năm từ khi im tiếng súng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phù Mỹ đã xây dựng, tu bổ, tôn tạo lại các địa điểm, các khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện như: Di tích lịch sử Đèo Nhông - Dương Liễu, Khu chứng tích thôn 10 (xã Mỹ Thắng), Đập Cây Kê (thôn Bình Trị, xã Mỹ Quang), Gò Vàng (xã Mỹ Hòa)... ngày càng khang trang, bề thế, tôn nghiêm. Và mới đây, được sự hỗ trợ của cấp trên, huyện Phù Mỹ đã đầu tư xây dựng các khu di tích lịch sử chiến thắng Cầu Cương (xã Mỹ Hiệp), Đồi Miếu (xã Mỹ Thành), nhất là hố Đá Bàn (xã Mỹ An)... Tại khu di tích núi Đá Bàn đã ghi dấu cuộc chiến anh dũng vào năm 1968 của bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 và du kích xã Mỹ Thắng với lực lượng lớn tinh nhuệ thuộc Lữ đoàn dù 173 cùng với biệt kích Mỹ - Ngụy. Cho dù địch có máy bay ném bom xăng, xe tăng, xe bọc thép và các loại vũ khí tối tân, bao vây và đánh phá liên tục hàng chục ngày, nhưng chúng ta đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng, quyết không để rơi căn cứ địa vào tay giặc.
Giờ đây, Khu Di tích lịch sử hố Đá Bàn sừng sững phía Tây bên sườn rừng xanh lá, phía Đông là hồ chứa nước tưới mát cho đồng lúa. Ông Trần Đình Hào, thương binh, tham gia cách mạng ở Mỹ An từ rất sớm và là người trực tiếp chứng kiến cuộc chiến đấu anh dũng của quân ta tại hố Đá Bàn, thổ lộ: “Việc xây dựng khu di tích này là một lời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với các đồng chí, đồng đội, đồng bào đã nằm lại tại đây. Tôi tin rằng, hố Đá Bàn sẽ mãi mãi trở thành điểm về nguồn, điểm sinh hoạt văn hóa của nhiều thế hệ, thanh niên, học sinh trong và ngoài huyện Phù Mỹ, để cùng nhau ôn lại lịch sử cuộc đấu tranh hào hùng của cha ông. Thật quý giá làm sao”.
Theo thống kê, đến nay, huyện Phù Mỹ có 11 địa điểm, căn cứ, chứng tích chiến tranh được công nhận là di tích lịch sử. Trong đó, có 10 di tích lịch sử cấp tỉnh và 1 di tích lịch sử cấp quốc gia, và một số chứng tích chiến tranh vẫn đang được tiếp tục đề nghị công nhận là di tích lịch sử. Ông Nguyễn Ngọc Đắc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phù Mỹ, cho biết: “UBND tỉnh đang tích cực chuẩn bị xây dựng bia ghi danh tại khu di tích lịch sử mộ nhà yêu nước Bùi Điền (xã Mỹ Hòa). Còn tại di tích lịch sử Núi Mun (xã Mỹ Tài) và Gò Cớ (xã Mỹ Đức), huyện đang phác thảo mô hình các hạng mục trình cấp trên phê duyệt và cho chủ trương xây dựng. Riêng di tích Cửa Khẩu đèo Ngụy Dốc Dài (xã Mỹ Hiệp), Hòn Đụn (xã Mỹ Thọ), huyện đang lập kế hoạch đề nghị công nhận khu di tích lịch sử”.
Những ngày này, người dân Mỹ Tài rất vui khi Khu di tích lịch sử Núi Mun quê mình đã công nhận, giờ đang được san lấp mặt bằng chờ đủ điều kiện sẽ xây dựng. Rồi đây, nơi này sẽ trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống, để các thế hệ của Mỹ Tài hôm nay và mai sau không quên về lịch sử tháng 6.1974, Đại đội 2 (bộ đội huyện) đã kiên cường chốt giữ 32 ngày đêm, chặn đánh, đẩy lùi hàng trăm đợt tấn công của Trung đoàn lính ngụy lấn chiếm vùng giải phóng. Hàng trăm lượt máy bay phản lực và trực thăng vũ trang dội hàng chục tấn bom, hàng ngàn quả đạn, hàng chục lượt xe bọc thép cày ủi, tàn phá, triệt hạ làng mạc, ruộng vườn nhằm uy hiếp quân và dân ta, nhưng với tinh thần quả cảm, anh dũng, quân ta đã tiêu diệt được 221 tên địch.
Nói về việc xây dựng, tôn tạo các khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện, ông Trần Đình Thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Mỹ, nhấn mạnh: “Xây dựng các khu di tích lịch sử như một cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai là một trong những cách để chúng ta ghi nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước. Điều đó còn là để các thế hệ hôm nay và mai sau biết được sự hy sinh của cha anh, qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ toàn huyện, nhận rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đóng góp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước”.
THANH TRỌN - XUÂN LỘC