Cát Nhơn - đồng lòng đi lên
Nói đến Cát Nhơn (Phù Cát) là vùng đất mà mỗi ngọn đồi, khúc sông đều ghi chiến công của quân và dân địa phương trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Vượt lên những đau thương mất mát, người dân Cát Nhơn đang chung sức đồng lòng dựng xây cuộc sống mới.
Tựa như một sợi dây nối liền giữa lịch sử và hiện tại, người dân Cát Nhơn hôm nay tiếp tục xây dựng quê hương bằng chính tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng.
Cát Nhơn là địa phương được chọn thí điểm cánh đồng mẫu lớn của huyện. Ảnh: N.HÂN
Trên những đau thương
“Đình làng trống thúc dồn chân bước/ Gậy gộc vung lên cướp chính quyền”, những ngày cuối tháng 8 này, mọi xóm làng ở Cát Nhơn đều rực màu cờ đỏ, các cụ cao niên lại râm ran kể chuyện những ngày đấu tranh giành độc lập.
Trong ký ức của nhiều người cao tuổi ở Cát Nhơn, vẫn còn nguyên khí thế hừng hực của Tết Độc lập. Tối 26.8.1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện ra lệnh đột nhập huyện đường Phù Cát. Hàng trăm thanh niên các thôn Đại Hào, Đại Hữu, Chánh Nhơn, Liên Trì, An Nông tay cầm gậy gộc hòa cùng đoàn biểu tình của các thôn Phong An, Kiều An kéo về Phù Cát cướp chính quyền. Đi đến đâu quần chúng tước đồng triện, sổ sách của bọn lý - hương, làm chủ xã, thôn, lập chính quyền cách mạng lâm thời đến đó.
“Hồi đó, tui mới 8 tuổi, thấy các chú, các anh kéo đi biểu tình, cướp chính quyền mà rạo rực lắm. Sau này trực tiếp tham gia làm cách mạng, mới thấm thía độc lập tự do quý giá biết nhường nào”, ông Nguyễn Văn Lâm - 76 tuổi, ở thôn Chánh Mẫn, nguyên Bí thư Chi bộ xã Cát Nhơn, nhớ lại.
Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, người dân Cát Nhơn vẫn một lòng trung trinh với cách mạng. Năm 1964, tại An Nông - cái nôi cách mạng của Cát Nhơn, địch tàn sát hơn 20 người.
Ông Lâm vẫn nhớ như in, trong trận đồng khởi ở Chánh Mẫn năm 1965, quân và dân Cát Nhơn đã đánh tan 2 tiểu đội Thanh niên chiến đấu của địch. “Thời đó, thành tích của dân Chánh Mẫn lớn lắm, bà con mở đường cung cấp lương thực cho cách mạng, chịu nhiều hy sinh. Độ tuổi thanh niên thời đó giờ đâu còn mấy người, đủ biết mất mát biết chừng nào”, ông Lâm ngậm ngùi.
Bước vào giai đoạn “chiến tranh cục bộ”, Cát Nhơn là một trong những chiến trường ác liệt, như người dân vẫn ví von “lật đá núi Bà, tìm cộng sản”. Vậy nhưng, cán bộ vẫn quyết bám đất, bám làng, “một tấc không đi, một ly không rời”, đào hầm công sự, nằm chờ cơ sở về bắt mối liên lạc. Người dân vẫn lén lút nắm cơm, nắm muối nuôi bộ đội.
Sự đồng lòng, tinh thần đoàn kết của dân Cát Nhơn đã góp phần đáng kể để bộ đội ta làm nên những chiến công vang dội.
Tiếp nối
Vùng trũng nổi tiếng của Phù Cát một thời nay đã khởi sắc từng ngày. Không còn những con đường lầy lội mà các bà các chị mỗi khi đi chợ phải xắn quần lên trên gối, đám rước dâu phải dùng đến cộ trâu để vượt sình… Cát Nhơn hôm nay thẳng đường bê tông nối về tận thôn xóm và dải bờ đê kiên cố uốn lượn theo dòng sông Côn. Đó là những công trình tượng hình từ sự hợp sức, hợp lòng của hàng trăm đôi tay, đôi vai của những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.
Nhắc đến những tuyến đường đã được bê tông hóa, giọng ông Mai Ký - Bí thư Đảng bộ xã - hào hứng hẳn lên. “Nhà nước chỉ ủng hộ xi măng, còn lại đá, cát, công đều phải dựa vào dân. Thấm thía cái khổ của sình lầy mỗi mùa mưa đến, phần nữa vì háo hức, tin tưởng vào chính sách của Nhà nước, bà con nhiệt tình góp công, góp của để làm đường. Nhớ nhất là lần làm đường bê tông tại thôn Đại Hữu cách đây chừng 6 năm. Hồi ấy, để đảm bảo cho công trình hoàn thành trước mùa mưa lũ, chính quyền xã đã chủ trương làm đường ngay sau Tết Nguyên đán. Cứ lo, vừa sau Tết, bà con không nhiệt tình hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhưng thật không ngờ, khi xuống kiểm tra mọi thứ đã sẵn sàng. Có người còn chủ động hiến một phần đất để con đường mau chóng được khởi công”, ông Ký kể lại.
Theo dòng hồi tưởng ấy, chúng tôi tìm về với thôn Đại Hữu, để hiểu thêm về sự đồng lòng của những người dân chân chất, thật thà. Thương binh Nguyễn Thị Ba, 67 tuổi, nhà ở xóm Bắc, vẫn nhớ rõ không khí hào hứng, sôi nổi của cái thời cả xóm, cả thôn cùng làm đường. Bà kể: “Ngày ấy, cả làng rủ nhau góp sức khiêng cát, khiêng đá từ sông về làm đường. Đêm nào cũng gánh nặng oằn vai và ê ẩm mình mẩy, nhưng ai cũng phấn chấn khi nghĩ đến ngày làng mình có con đường sạch đẹp”.
Cạnh đó, thôn trưởng Phạm Phước Hải cũng góp chuyện: “Nhờ bà con hăng hái đồng lòng mà Đại Hữu trở thành thôn đầu tiên ở xã có 100% đường bê tông. Không chỉ thế, bờ đê chạy dọc sông Côn sau thôn cũng hoàn thành nhanh chóng nhờ sự nhất trí của bà con. Dải tre mọc dày theo bãi sông đã sớm được bà con giải tán để xây đê, không một ai nhắc đến chuyện đền bù”.
Dường như, ở mảnh đất phải thường xuyên đối mặt với thiên tai này, sức mạnh của tập thể, cộng đồng là một thứ của cải mà mỗi người dân luôn trân quý. Bởi vậy, khi nói về Cát Nhơn, ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phù Cát, cho rằng, điểm đặc biệt nhất ở đây là tinh thần đoàn kết. Sự đồng lòng bền chặt được thể hiện từ đội ngũ cán bộ đến từng người dân. Nhờ thế, Cát Nhơn luôn được chọn để thí điểm nhiều dự án, mô hình mới ở Phù Cát. Vụ hè thu này, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được thí điểm thành công tại Cát Nhơn.
Hơn thế nữa, Cát Nhơn còn “nổi tiếng” về sự đồng lòng cảnh giác. 4 năm trước, nhân dân Cát Nhơn được Công an tỉnh tặng Giấy khen về phong trào đảm bảo an ninh trật tự. Chuyện cả thôn, cả xã cùng vây bắt trộm cướp được nhiều người biết từ đó. Đến hôm nay, tinh thần ấy vẫn được duy trì, tiếp nối. Ông Lê Minh Sự, Chủ tịch UBND xã, nói vui: “Chỉ cần đánh kẻng là bà con đề cao cảnh giác, vây bắt đối tượng giao cho chính quyền. Cũng vì thế mà làng quê giờ vẫn yên ả, chẳng ai phải đóng cửa mỗi khi ra khỏi nhà”.
Trở mình
Đúng như lời ông Nguyễn Văn Lâm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, Cát Nhơn đang trở mình. Hộ đói không còn, hộ nghèo liên tục giảm. Dải đê kiên cố miên man ôm lấy những ngôi làng khiến người dân vững lòng, yên tâm ra đồng mỗi khi mùa mưa đến. Cách đây mươi mười lăm năm, dân Cát Nhơn vẫn hay rủ nhau vào các thành phố lớn, kẻ làm công nhân, người bán trái cây, mua ve chai… Từ năm 2005, Cụm công nghiệp Cát Nhơn hiện hình, khởi đầu đã giúp xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Ly nông ly hương đã không còn là nỗi nhức nhối.
“Cát Nhơn không có điều kiện thuận lợi để có những bước đột phá về kinh tế. Tuy nhiên, đây là một xã mạnh của huyện, với điểm nổi bật là bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh và tinh thần đoàn kết một lòng của người dân. Ðầu năm 2012, xã nhận Huân chương Lao động hạng Ba, đó là thành tích rất xứng đáng của chính quyền và nhân dân địa phương ”
Ông NGUYỄN XUÂN SƠN, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phù Cát
Trở về nhà khi vừa hết ca làm buổi sáng, ông Nguyễn Ngọc Phúc, 42 tuổi, ở thôn Liên Trì, lại tất bật giúp vợ chuẩn bị cơm trưa. Nhà ông có 4 thành viên thì 3 người đã làm công nhân tại Cụm công nghiệp Cát Nhơn. Vợ chồng ông làm công nhân gỗ, cậu con trai vừa tốt nghiệp cao đẳng, chưa tìm được việc, cũng xin vào đấy làm công nhân đan đồ nhựa. Ngoài ruộng lúa, khoản lương công nhân tuy không cao nhưng cũng đủ giúp gia đình ông ổn định cuộc sống.
Hai tháng gần đây, nhiều hộ gia đình ở Cát Nhơn lại nhộn nhịp hơn, các chị, các bà, trẻ em có thêm việc để làm trong thời gian rỗi. Chị Thái Thị Mỹ Sương, Chủ tịch Hội LHPN xã, cho biết, Hội đã liên kết với Công ty TNHH Hoàng Gia cung cấp nguyên liệu cho các chị em trong xã đan ghế nhựa tại nhà. Có 5 tổ (khoảng 10 người/tổ) đã hình thành và được doanh nghiệp đào tạo hướng dẫn.
Vẫn không ngơi tay đan để kịp giao hàng cho doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Mười, ở thôn Đại Ân, chia sẻ: “Việc ruộng vườn, rồi chăm 3 đứa con khiến tôi luẩn quẩn suốt ngày ở nhà. Muốn tận dụng những khoảng thời gian rỗi để kiếm thêm nhưng chẳng có việc thích hợp. Sau khi đăng ký học đan ghế nhựa rồi nhận hàng về làm cùng mấy chị trong xóm, tôi có thêm đồng ra đồng vào”.
Nằm dọc theo tỉnh lộ 635, Cát Nhơn đang từng ngày thay da đổi thịt. Thôn Đại Ân, vùng tranh chấp giữa địch và ta xưa kia nay trở thành khu trung tâm của xã, với những ngôi nhà mới khang trang. Bên cạnh nghề nông truyền thống, người dân Cát Nhơn đã và đang nỗ lực học hỏi và tiếp cận những mô hình kinh tế mới. Cần cù, chịu thương, chịu khó, người dân Cát Nhơn đang nỗ lực thay đổi mình, để thay đổi quê hương
NGUYỄN MUỘI - KIÊN TRUNG