Khẩn trương sửa chữa quốc lộ 1 sau mưa lũ
Liên tiếp các đợt bão lũ lớn xảy ra từ đầu tháng 11 và tháng 12 đã gây thiệt hại nặng nề cho tuyến QL 1 qua địa bàn tỉnh. Hiện các đơn vị chức năng đang khẩn trương sửa chữa, nâng cấp các đoạn đường bị xuống cấp, khắc phục các điểm sạt lở, bong bật mặt đường, đảm bảo nhu cầu lưu thông tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Chỉ đạo quyết liệt
Theo Chi cục Quản lý đường bộ III.2 thuộc Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), liên tiếp các đợt mưa lũ thời gian gần đây đã làm cho khoảng 20.000 m2 mặt đường QL 1 bị hư hỏng, tạo thành các “ổ gà”, “ổ trâu” gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, hư hỏng nghiêm trọng nhất tập trung tại các đoạn: km 1213+500 - km 1214+900; km 1231 - km 1234; km 1239; km 1248 - km 1251…
Trước tình hình này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ, các chủ đầu tư dự án BOT, Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm trả lại mặt đường an toàn, thông suốt.
Dự án QL 1 qua Bình Ðịnh có chiều dài 118 km được đầu tư nâng cấp, mở rộng, với tổng kinh phí gần 7.800 tỉ đồng, trong đó có 2 BOT và 1 gói đầu tư từ vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án chính thức được thông xe vào cuối năm 2015. Gần 2 năm đưa vào khai thác, sử dụng, QL 1 qua Bình Ðịnh thường xuyên bị hư hỏng; dù thường xuyên được dặm vá, sửa chữa nhiều lần.
Bên cạnh việc khắc phục các hư hỏng trên toàn tuyến, để đảm bảo tính bền vững cho mặt đường QL 1 qua địa bàn Bình Định, theo chỉ đạo của Cục Quản lý đường bộ III thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ phải sớm thực hiện phủ lớp mặt đường bằng công nghệ novachip, polimer (thảm bê tông nhựa hiện đại) và áp dụng công nghệ cào bóc tái chế bê tông nhựa mặt đường tại chỗ nhằm tăng độ kín, tránh thẩm thấu nước, do đặc thù QL 1 qua Bình Định thường có mùa mưa kéo dài, nhiều vị trí thường xuyên bị ngập lụt. Ngành chức năng cũng yêu cầu các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ phải thường xuyên vệ sinh mặt đường, khai thông cống thoát nước, không để ứ đọng nước trên nền mặt đường, đảm bảo giao thông.
“Trường hợp các đơn vị không triển khai sửa chữa hoặc thường xuyên để QL 1 qua địa bàn Bình Định bị hư hỏng, xuống cấp, Cục Quản lý đường bộ sẽ đề xuất Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT cho tạm dừng thu phí tại các trạm BOT qua Bình Định”, ông Tiết Đinh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.2, cho hay.
Khẩn trương sửa chữa
Từ ngày 7.12 đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị chức năng đã tập trung ra quân dặm vá, khắc phục hư hỏng nền, mặt đường QL 1. Ông Tiết Đinh Quang cho biết: Trên toàn tuyến qua địa bàn Bình Định hiện có 6 - 8 mũi thi công của các đơn vị gồm: Công ty BOT Bắc Bình Định, Công ty BOT Nam Bình Định, DNTN Minh Thảo, Công ty Quản lý và Xây dựng đường bộ Bình Định… Biện pháp khắc phục hiện nay là cào bóc lớp bê tông nhựa bị bong tróc, hư hỏng, dặm vá các “ổ gà”, “ổ trâu” bằng lớp cấp phối đá dăm mới và thảm mặt đường bằng bê tông nhựa nóng, hoàn trả mặt đường êm thuận như ban đầu.
“Với tinh thần khẩn trương, Chi cục III.2 đang đôn đốc các đơn vị phải sớm khắc phục tình trạng hư hỏng nền mặt đường, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian sớm nhất. Hiện, các đơn vị đã cơ bản khắc phục xong các đoạn QL 1 bị xuống cấp qua địa phận đèo Nhông và tuyến tránh thị trấn Phù Mỹ (Phù Mỹ), các tuyến tránh thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn), thị trấn Ngô Mây (Phù Cát), đoạn qua địa bàn thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước (Tuy Phước)…”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Văn Phồn, Trạm trưởng Trạm BOT Nam Bình Định, cho biết: Tuyến QL1 đoạn từ km 1212+400 - km 1265 đang có 3 mũi thi công khẩn trương sửa chữa nền, mặt đường. Đến hết ngày 13.12, các đơn vị đã khắc phục được 11.600m2/13.550m2 mặt đường bị hư hỏng trên toàn tuyến. Dự kiến đến ngày 25.12, các đơn vị sẽ sửa chữa dứt điểm các hư hỏng trên toàn tuyến. “Chúng tôi đang tập trung khắc phục triệt để các hư hỏng và thực hiện các giải pháp tăng cường mặt đường như thảm bê tông nhựa để tăng tính bền vững, đảm bảo hiệu quả khai thác lâu dài của công trình”, ông Phồn cho hay.
NGUYỄN HÂN
Phải xử lý ngay người kiểm tra chất lượng đường bộ, là biết ngay người nào làm.