An Lão: Dân chần chừ vào khu tái định cư
Khu tái định cư Gò Núi Một (ở xã An Tân, An Lão) được xây dựng, nhằm di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm do thiên tai vào sinh sống. Ðến nay, khu tái định cư này đã hoàn thành nhưng người dân thì chần chừ không chịu chuyển đến, chính quyền địa phương phải ráo riết vận động.
Đầu năm 2016, huyện An Lão triển khai thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư (KTĐC) Gò Núi Một (ở xã An Tân), với diện tích 12 ha, kinh phí đầu tư gần 30 tỉ đồng, nhằm di dời 200 hộ dân đang nằm trong vùng nguy hiểm trên địa bàn huyện đến ở. Cơ sở hạ tầng đã được xây dựng của KTĐC gồm có đường giao thông bê tông, hệ thống mương thoát nước mưa, hệ thống cung cấp điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đồng thời đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhà văn hóa thôn, trường mẫu giáo. Ngoài ra, trong KTĐC Gò Núi Một còn được quy hoạch chợ và khu sinh hoạt văn hóa - thể thao ngoài trời…
Theo quy định, những hộ dân được xét duyệt để di dời vào KTĐC Gò Núi Một được Nhà nước cấp 300m2 đất/hộ để xây dựng nhà ở và hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời. Thế nhưng, người dân chần chừ, không chịu di dời đến xây dựng nhà mới để ở ổn định, an toàn hơn nơi cũ.
Ông Nguyễn Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã An Tân, cho biết: “Trước khi KTĐC xây dựng hoàn thành, xã đã tổ chức cuộc họp công khai bình xét các hộ dân có đủ điều kiện định cư tại KTĐC Gò Núi Một. Toàn xã có 42 hộ dân đăng ký là những hộ đang sở hữu đất đai, nhà ở tại khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai như thường xuyên bị ngập lụt, xói mòn, sạt lở đất; những hộ gia đình là hộ ghép chưa có đất ở, không sở hữu đất đai tại vùng bị thiên tai nhưng hiện đang sinh sống tại khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trải qua nhiều lần xét duyệt khá kỹ lưỡng, công bằng, công khai, có 25 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ để di dời đến KTĐC Gò Núi Một. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chỉ có 9/25 hộ ký cam kết với chính quyền địa phương sẽ di chuyển đến nơi ở mới và giao lại toàn bộ diện tích đất thổ cư nơi ở cũ cho Nhà nước quản lý; số còn lại chần chừ không chịu đi”.
Ông Nguyễn Thành Lập (ở thôn Thuận An, xã An Tân), một hộ dân sống gần bờ sông An Lão, thuộc diện di dời vào KTĐC Gò Núi Một, giãi bày: “Lâu nay bà con chúng tôi làm ăn tích góp được chút vốn liếng, đã đầu tư hết vào xây nhà ở kiên cố rồi, một số hộ đã có vườn cây ăn trái cho thu nhập ổn định. Dù vẫn biết hàng năm đất bờ sông cứ lở dần gần đến nhà rất nguy hiểm, vào mùa mưa nhiều đêm không ngủ được, nhưng cũng đành chấp nhận sống với rủi ro. Ngoài ra, chúng tôi có nguyện vọng muốn giữ lại diện tích thổ cư nơi ở cũ để tiếp tục canh tác, chăn nuôi khi chuyển đến KTĐC sinh sống. Chính vì lý do này mà chúng tôi cứ chần chừ”.
Còn ông Nguyễn Văn Thu (ở thôn Thuận An, xã An Tân) có nhà nằm sát mép bờ sông, bị uy hiếp nghiêm trọng và thuộc diện di dời khẩn cấp, cho hay: “Thực lòng mà nói, cơ sở hạ tầng KTĐC Gò Núi Một quá tốt, được vào đó sinh sống thì quá an toàn rồi, không phải lo sợ nhà bị sạt lở nữa. Thế nhưng, khi chuyển đến KTĐC, dù biết Nhà nước rất quan tâm cấp đất xây dựng nhà mới và hỗ trợ một phần chi phí nhưng số tiền còn lại để xây nhà mới khá lớn. Vì vậy, tôi cũng như một số hộ dân khác vẫn còn nấn ná nơi ở cũ”.
Theo ông Nguyễn Văn Vân, trước tình trạng trên, UBND xã đang tích cực vận động người dân vào KTĐC để sớm ổn định đời sống lâu dài.
Ông Văn Phụng Anh, Chủ tịch UBND xã An Hòa, cho biết: Xã cũng đang tích cực vận động 22 hộ dân ở các thôn: Vạn Khánh, Vạn Long, Trà Cong có nhà nằm trong vùng thường xuyên bị sạt lở, ngập sâu trong lũ lụt vào KTĐC Gò Núi Một; đồng thời tiếp tục rà soát các hộ dân còn lại sống trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai để đề nghị huyện xét duyệt đưa vào KTĐC.
HOÀNG NAM QUỐC