Thận trọng khi mua sắm trực tuyến
Hình thức mua sắm trực tuyến (shopping online) ngày càng phổ biến với nhiều tiện ích. Tuy nhiên, khách hàng mua sắm trực tuyến cũng dễ gặp rủi ro khi bị tráo hàng, mất tiền, khó đòi bồi thường.
Shopping online mang đến nhiều tiện ích như hàng hóa đa dạng, giá cạnh tranh, mặt hàng phong phú và những chính sách ưu đãi như thẻ thành viên, giảm giá, khuyến mãi…
“Thứ 2 hoặc cuối tuần, nhiều website thương mại điện tử giảm giá 10% cho thành viên có tài khoản mua sắm trực tuyến hoặc thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế. Tôi thường “săn” các mặt hàng gia dụng, sữa bột, bỉm cho bé vào những dịp này. Bí quyết mua hàng của tôi là chọn mặt hàng có đầy đủ thông tin xuất xứ, được đánh giá cao trên thị trường”, anh Nguyễn Anh Vũ, ở phường Bùi Thị Xuân (Quy Nhơn), một người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chia sẻ.
Tại TP Quy Nhơn, chuỗi cửa hàng điện lạnh, điện tử của FPT, Thế giới di động, BKC hoặc các nhãn hàng thời trang hàng hiệu như Owen, Junoo… vừa có website bán hàng trực tuyến, vừa mở cửa hàng, đại lý ở đây. Người tiêu dùng có thể mua hàng trực tuyến và được hỗ trợ bảo hành tại hệ thống đại lý, cửa hàng phân phối tại Quy Nhơn.
Thực tế, bên cạnh nhiều tiện ích, mua sắm trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người tiêu dùng thiếu thận trọng sẽ bị tổn thất, nên phải cẩn trọng trong việc chọn lựa hàng hóa, chọn website thương mại điện tử để mua hàng.
Chẳng hạn, nếu muốn mua Iphone được bảo hành tại Việt Nam, người mua nên đặt hàng ở những website thương mại điện tử uy tín, hàng hóa có mã VN/A (mã dành cho Iphone bảo hành tại thị trường Việt Nam). Cùng một loại Iphone, hàng xách tay hoặc hàng không có mã VN/A có giá thấp hơn, nhưng người mua không được hỗ trợ khi sản phẩm có vấn đề.
Anh Tôn Quang Thắng, nhân viên IT của Công ty VnaSolution (chuyên lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển thương hiệu) ở TP Quy Nhơn, tư vấn: Người tiêu dùng muốn mua hàng trực tuyến nên chọn website có chứng chỉ bảo mật SSL/TLS, kiểm tra bằng cách gõ trên thanh địa chỉ website có dạng HTTPS:// (không phải HTTP). Ở Việt Nam có những website thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép như lazada, tiki, sendo, thegioididong, fptshop…, trên thế giới có amazon, bestbuy, walmart…
Khi đăng ký tài khoản mua sắm trực tuyến, hạn chế việc đưa quá nhiều thông tin cá nhân như số điện thoại, email, địa chỉ, thông tin tài khoản. Chọn hình thức thanh toán trực tuyến trung gian như paypal, ví điện tử momo… Hạn chế việc mua sắm trực tuyến ở những trang mạng xã hội, những đường link mời mua sắm qua tin nhắn.
THU DỊU