Về một người thầy...
Nuôi mộng văn chương khi còn học ở Trường Trung học Lê Khiết (Quảng Ngãi), cậu học sinh Nguyễn Văn Giai (1933-2010) tham gia cách mạng: vừa dạy học, vừa làm thơ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và con đường nghiên cứu đưa ông đến vị trí là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học Nga. Ông là Nguyễn Văn Giai, nhưng không chỉ có vậy!
Thầy Nguyễn Văn Giai (thứ 5, trái sang) cùng với học trò trong đợt thực tế sáng tác văn học tại Đà Lạt.
35 năm đứng trên bục giảng, ông được học trò yêu mến, đồng nghiệp kính trọng bởi tinh thần trách nhiệm, bởi sự công bằng và bởi sự yêu thương sẻ chia. Nhưng không chỉ có vậy, với bút danh Việt Thương, ông để lại nhiều sáng tác (thơ, truyện), chủ yếu chia sẻ với bạn bè, thân hữu, mãi sau khi ông qua đời, gia đình mới lần lượt san định, xuất bản.
Ngưỡng mộ nhà thơ Xuân Diệu, đồng thời mong muốn tạo một sân chơi sáng tác văn học giữa lúc không khí sáng tác thơ văn ở Bình Định có phần chìm lắng, cùng với những bạn văn (Vũ Ngọc Liễn, Đào Quốc Toàn, Từ Quốc Hoài…) ông xin thành lập CLB Văn học Xuân Diệu (1990) và kiêm nhiệm luôn vai trò chủ nhiệm. Đời sống văn chương tỉnh Bình Định nhờ thế có thêm một không gian mới, và nhiều khởi sắc cũng bắt đầu từ đây.
Sinh thời, ông chưa xuất bản tác phẩm nào. Tiểu thuyết Sóng trắng (Nxb Văn học, 2014) là sáng tác văn học đầu tiên của ông được gia đình cho xuất bản sau khi ông qua đời. Sóng trắng gồm 33 chương, mỗi chương được viết theo lối nhật ký (từ ngày 12.7.1964 đến ngày 8.1.1970), ghi lại một cách chân thực những năm tháng xưa với tất cả vui buồn của thầy trò trong một giai đoạn khó khăn bậc nhất của đất nước. Ở đó bạn đọc hình dung ra một giảng viên trẻ Nguyễn Văn Giai thông qua những đoạn văn như thế này “Làm nghề dạy học mà muốn học sinh sợ không khó mấy, tôi nghĩ dù không lớn tuổi hơn số đông sinh viên bao nhiêu nhưng mình có thể làm được điều đó, song làm cho sinh viên vừa phục vừa quý mến thì cực kỳ khó” (Thứ Hai, 25.8.1969).
Tập thơ Miền sâu thẳm (Nxb Văn học, 10.2015) là tiếng lòng của ông dành cho quê hương, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, được “sơ chọn” 74 bài thơ, từ gần 2.000 bài trong di cảo. Tập kết ra Bắc học tập, ông nhớ miền Nam quê Mẹ khói lửa da diết, với lòng căm thù giặc cháy bỏng: Cha có dặn khi con về quê cũ/ Đừng hỏi nhà: - Nhà cháy trụi từ lâu! (…) Đừng có hỏi người xung quanh. Vô ích. Tiếng đại bác, tiếng xe tăng gầm rú. Và nếu con xứng đáng với con người/ Dũng cảm đứng, dám xông lên phía trước (Lời dặn). Với ông, gia đình là chỗ dựa vững chãi cho sâu thẳm lòng mình. Đọc Miền sâu thẳm, lòng ta như lắng lại trước bao ngọt đắng và thăng trầm, say mê và mâu thuẫn tự sâu thẳm lòng cùng với tác giả. Nhưng vút lên vẫn là một hồn thơ trong sáng.
Một số tác phẩm của Việt Thương Nguyễn Văn Giai.
Tập thơ “Người hát rong” (Nxb Đà Nẵng, 11.2017) là sự tiếp nối tiếng lòng có từ “Miền sâu thẳm”. Có khác chăng, là cung điệu thêm réo rắt, tiếng lòng thêm da diết. Ở đây, ông là khối mâu thuẫn lớn: tình yêu và khát vọng, kiềm chế và dâng trào, một nhà giáo nghiêm khắc và một hồn thơ bay bổng…khiến ông rất “khó”để đến với một chữ tình, một lời yêu đôi lứa. Nhà thơ Việt Thương và nhà giáo Nguyễn Văn Giai hẳn nhiều lần đã đối thoại với nhau, như day dứt, cô đơn trong “mối tình câm” mà ông nhiều lần nhắc đến (Mối tình câm lặng dở dang/ Đắm say cho lắm chỉ tan nát lòng - Hiểu biết). Nhưng cuối cùng, Việt Thương cũng kịp bày tỏ những rung động như thời của mối tình đầu:“Từ giảng đường nhìn xuống thấy dáng em/ Đang chép chép ghi ghi, hé nụ cười bí ẩn/ Tim linh mục bỗng rộn ràng, ngơ ngẩn/ Tưởng cửa thiên đường mở sẵn chờ ai”. Nhưng cũng đến thế mà thôi, vì lẽ Việt Thương Nguyễn Văn Giai là một tổ hợp hòa điều vừa mô phạm, vừa lãng tử; vừa nghiêm khắc vừa từ hòa, ông gần với mọi người trong đời, trong nghề và cả trong những trang văn!
TRẦN XUÂN TOÀN