Trách nhiệm và hơn thế!
Hiện nay, việc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) của Đảng đang được triển khai đến cán bộ, đảng viên các cấp.
Trong đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là nội dung rất quan trọng, vừa có tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta.
Cho đến nay, một trong những hạn chế, bất cập lớn nhất tồn tại dai dẳng là bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ở một số tổ chức chồng chéo, trùng lắp; việc phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp chưa mạnh mẽ, bất hợp lý và thiếu đồng bộ. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, năng suất lao động thấp, ngân sách hạn hẹp, nợ công ở mức cao… thì tình trạng bộ máy tổ chức cứ phình to ra mãi, biên chế nhân sự tiếp tục tăng lên không ngừng, là một thực tế không thể chấp nhận. Vì vậy, đã đến lúc phải coi tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng lãng phí phải xử lý, ngăn chặn quyết liệt, kịp thời.
Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, Hội nghị Trung ương 6 xác định điểm đột phá là phải tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cụ thể là thực hiện đổi mới, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; thực hiện mô hình kiêm nhiệm nhiều chức danh; sáp nhập nhiều cơ quan, đơn vị hành chính, nhiều đoàn thể chính trị - xã hội tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức… Có thể thấy chủ trương sắp xếp lại bộ máy theo hướng này thực chất là một cuộc cách mạng về tổ chức, việc thực hiện sẽ đụng chạm đến con người, đến lợi ích cá nhân nên sẽ không dễ dàng. Chẳng hạn như qua sắp xếp sẽ có không ít cán bộ cấp trưởng chuyển xuống làm cấp phó; nhiều cán bộ dôi dư do sáp nhập cơ quan, đơn vị; nhiều công chức, viên chức phải nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau; nhiều khoản chi từ ngân sách sẽ bị cắt giảm…
Đổi mới, sắp xếp lại bộ máy gắn với tinh giản biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị là cuộc cải cách mang tính then chốt nhưng rất nhạy cảm và phức tạp. Sẽ có rất nhiều tâm tư khi cuộc sống của một ai đó đang an bình bỗng một lúc phải thay đổi mọi thứ liên quan đến cuộc sống cá nhân, từ việc làm, nơi công tác, đồng nghiệp cho đến thu nhập và cuộc sống gia đình. Vì vậy, để chủ trương từ nghị quyết trở thành hiện thực trong cuộc sống, trước tiên cần phải xác định rõ quyết tâm chính trị của từng cấp ủy và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Cuộc cách mạng về tổ chức lần này không chỉ cần có quyết tâm cao mà còn đòi hỏi sự sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân của một bộ phận cán bộ, đảng viên vì công việc và sự nghiệp của Đảng.
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước hơn 87 năm qua, cùng với nhân dân nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên đã nhận về mình phần hy sinh, không chỉ lợi ích mà cả tính mạng. Hy sinh lợi ích cá nhân trong cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị hiện nay cũng tiếp tục đòi hỏi ở người cán bộ, đảng viên phải biết nhận hy sinh. Nếu các tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên vẫn chần chừ, suy tính thiệt hơn thì chủ trương đổi mới, sắp xếp lại hệ thống chính trị của Đảng sẽ khó đạt mục tiêu mong muốn.
HẢI ÐĂNG