Có một người tâm huyết với rừng…
Ở Đà Lạt, những người yêu môi trường, muốn giữ gìn hệ sinh thái đặc biệt ở vùng đất này, ai cũng biết cựu binh Nguyễn Đức Phúc (SN 1942, quê ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Ông là một cựu chiến binh đặc công lẫy lừng, một người làm du lịch đặc biệt. Tập sách Người đi về hướng núi (NXB Hội Nhà văn, 2017) do nhà thơ, nhà báo Trần Ngọc Trác dày công sưu tầm, tuyển chọn, nói về ông.
Sách gồm gần 40 bài viết của những nhà báo, nhà văn, nhà làm phim uy tín như: Trần Trọng Văn, Sương Nguyệt Minh, Thanh Tùng, Nguyễn Đình Tú, Minh Tự, Nguyễn Hàng Tình, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Hà Đình Cẩn… Mỗi tác giả bài viết đều có góc nhìn, cách tiếp cận riêng. Nhưng tựu trung lại, đều làm bật lên chân dung một người lính hóm hỉnh, đôn hậu, bộc trực và đầy tâm huyết với rừng; ông hiện lên gần gũi, đáng mến..
Đang làm việc ở Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, ông xin nghỉ hưu trước tuổi, rồi làm đơn tình nguyện giữ rừng. Ông thế chấp ngân hàng căn nhà nhỏ, bán cái xe máy cà tàng,rồi lấy 6 triệu đồng vừa có đem thành lập Công ty Du lịch dã ngoại Phương Nam. Ban ngày hướng dẫn khách du lịch, ban đêm chong đèn đọc đủ các loại sách chỉ với một mục đích duy nhất đắp bồi, vun chí lớn giữ rừng. Ông sống với đồng bào Tây Nguyên,vận động đồng bào giữ rừng, giữ gìn văn hóa bản địa, lấy giá trị truyền thống bền vững để phục vụ du lịch.Và khi đồng bào hiểu, tin ông, thành công đã đến với ông.
Chính ông là “cha đẻ” của làng Đarahoa. “Ông vận động bà con dân tộc K’Ho về lại núi Voi sống định cư, ông phát giống cây cà phê, cây trà, dạy cho bà con trồng và đặt tên làng Đarahoa, người K’Ho không còn sống du canh du cư. Và một lớp học đặc biệt giữa rừng xanh bạt ngàn do ông Phúc dựng lên mang theo cái chữ đến cho đồng bào K’Ho. Cả làng Đarahoa đều gọi ông với cái tên thân mật “Ba Phúc”.
Được soi chiếu dưới nhiều góc cạnh, Người đi về hướng núi là một tích hợp phong phú và đa sắc, chạm khắc chân dung thực thụ của một cựu binh đầy cá tính, tâm huyết để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng, cảm xúc.
VĂN PHI