CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0:
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển nhanh, mạnh, phá vỡ ngành công nghiệp thuần túy cả chiều rộng, chiều sâu và làm thay đổi toàn bộ hệ thống quản trị cũng như quản lý sản xuất. Theo đó, những quốc gia đang phát triển dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẽ suy yếu và dần bị thay thế bởi các quốc gia phát triển dựa vào công nghệ với sự sáng tạo, đổi mới không ngừng.
Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Quy Nhơn. Ảnh: N.V
Nhiều cơ hội
Đối với Việt Nam, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang được tiếp nhận một cách tích cực và chủ động, là xu hướng tất yếu khách quan của một đất nước phát triển KT-XH theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Khi thực hiện CMCN 4.0 sẽ mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, tăng năng lực sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trong kinh doanh.
Đây cũng là cơ hội rất thuận lợi cho DN bắt đầu khởi nghiệp sản xuất kinh doanh công nghiệp theo hướng sáng tạo, đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến. Tạo sự kích thích cho DN vừa và nhỏ mạnh dạn đổi mới dây chuyền công nghệ, sản xuất công nghiệp thông minh dựa trên nền tảng cốt lõi là công nghệ tự động hóa, tạo sự nhảy vọt tích cực trong sản xuất với những sản phẩm hàng hóa có tính đồng đều, đạt chất lượng cao, làm tăng khả năng cạnh tranh nhờ đơn hàng nhiều hơn, thời gian giao hàng ngắn hơn, chính sách hậu mãi ưu việt hơn…
Để triển khai thực hiện CMCN 4.0, Chính phủ, các bộ ngành cần tập trung giải quyết những vấn đề về hạ tầng, ứng dụng và nguồn nhân lực công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn về an ninh mạng, khuyến khích tạo điều kiện cho DN cũng như nhân dân tiếp cận với việc phát triển nội dung số dễ dàng và bình đẳng. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN hấp thụ đầy đủ và nhanh chóng phát triển công nghệ sản xuất sản phẩm mới. Tạo cơ chế tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của DN; hỗ trợ tăng cường hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông, tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 để có cách tiếp cận hiệu quả.
Riêng đối với địa phương, quan tâm đầu tư xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh. Lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh của tỉnh, bám sát các công nghệ sản xuất mới để tập trung đầu tư phát triển.
Yếu tố cần thiết và không thể thiếu là cần có nguồn tài chính phù hợp để triển khai thực hiện CMCN 4.0. Vì vậy, Nhà nước cần ban hành cơ chế, quy định hình thành và hoạt động của nguồn vốn (bao gồm nguồn ngân sách, từ DN, thương nhân, viện trợ và từ những nguồn vốn hợp pháp khác) để thực hiện cuộc CMCN 4.0. Nghiên cứu đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo đúng mục tiêu.
Doanh nghiệp Bình Định làm gì?
Bình Định hiện có ưu thế về sản xuất, chế biến, gia công hàng xuất khẩu như đồ gỗ nội thất, ngoài trời, thủy hải sản, nông sản, may mặc, giày da…, tuy nhiên giá trị kim ngạch xuất khẩu còn ở mức khiêm tốn do chưa đầu tư nhiều hàm lượng tri thức, chất xám, chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đây cũng là mảnh đất còn nhiều tiềm năng mang tính đột phá khi ứng dụng KHKT hiện đại. Tham gia vào CMCN 4.0 là cơ hội tốt nhất để DN Bình Định tăng cường đầu tư cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và chủ động hội nhập.
Trên cơ sở chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, DN Bình Định cần phát huy vai trò đặc biệt quan trọng là sự quyết tâm thay đổi công nghệ, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Vì nếu không có sự quyết tâm từ phía DN thì các chính sách của Chính phủ dù có tính khả thi cao cũng khó giúp DN phát triển sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu được.
DN cần nâng cao nhận thức, tạo hiểu biết đúng về bản chất, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0; đồng thời nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch tham gia CMCN 4.0 để có cách tiếp cận hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ngoài ra, DN cần tăng cường, rà soát lựa chọn sản phẩm chủ lực, có tính cạnh tranh cao trên cơ sở bám sát công nghệ mới để đầu tư sản xuất; mở rộng các mối quan hệ trong hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác kinh tế quốc tế, phát triển thông tin, truyền thông phù hợp với xu thế hội nhập.
CMCN 4.0 hiện đang tạo hiệu ứng tốt cho mọi hoạt động của con người trước mắt cũng như lâu dài, làm thay đổi tư duy lối mòn cũ trong sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu, tham gia CMCN 4.0 là cơ hội tạo sự đổi mới căn bản của tất cả DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh.
NGUYỄN VĂN TUYỂN