KỶ NIỆM 170 NĂM NGÀY MẤT DANH NHÂN LÊ ÐẠI CANG (1847-2017):
Khẳng định tên tuổi Lê Ðại Cang trong lịch sử dân tộc
Kỷ niệm 170 năm ngày mất danh nhân Lê Ðại Cang (1847-2017), ngày 16.12, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Lê Ðại Cang với Bắc Thành và Hà Nội”. Ðây là Hội thảo lần thứ 3 về nhân vật lịch sử Bình Ðịnh - Lê Ðại Cang.
Năm 2013, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Sử học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc tổ chức Hội thảo “Lê Đại Cang - tấm gương kẻ sĩ”.Tại đây, nhân vật lịch sử Lê Đại Cang được tôn vinh qua những tham luận đánh giá khoa học, khách quan, tinh tế, sâu sắc của các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa, các văn nghệ sĩ; Năm 2016, Thành ủy, UBND TP Châu Đốc, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc tổ chức Hội thảo “Tổng đốc Lê Đại Cang với An Giang” đi sâu nghiên cứu một giai đoạn nhiều biến cố trong cuộc đời và sự nghiệp của Lê Đại Cang, thời gian hơn 8 năm ông thực thi chức trách trên vùng đất Nam bộ.
* * *
Lê Đại Cang - một người con của quê hương Bình Định, một nhân vật lịch sử văn võ toàn tài, đã có nhiều cống hiến to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới triều Nguyễn qua ba đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, để lại một tấm gương sáng ngời về một công bộc toàn tâm, toàn ý, tận trung, tận hiếu với nước, với dân. Mặc dù, đường hoạn lộ trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng Lê Đại Cang luôn giữ được nhân cách, bản lĩnh phi thường của kẻ sĩ.
Tham dự Hội thảo có ông Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TP Hà Nội, PGS.TS. Ðinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học, PGS.TS. Trần Ðức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ trong cả nước và đại diện Lê tộc xã Phước Hiệp…
Trong 41 năm tham gia chốn quan trường, có 19 năm ông gắn bó với Bắc Thành - Hà Nội, và đã để lại dấu ấn đậm nét về một Đại thần Lê Đại Cang không lẫn với bất cứ nhân vật lịch sử nào, đó là sự kết tinh hào khí linh thiêng và tính chất kiên cường của núi sông và con người Bình Định, có thể nói: Lê Đại Cang là một “nhân kiệt” của “địa linh” Bình Định.
Lê Đại Cang, bậc lương thần có nhiều đóng góp xây dựng Bắc Thành và Hà Nội từng kinh qua các chức trách: Thiêm sự bộ Binh, Hiệp trấn Sơn Tây, Hình tào Bắc Thành, Quản lý Đê chính Bắc Thành, Quyền Tổng trấn Bắc Thành, Khâm sai chia hạt Bắc Thành, Chủ khảo Trường thi Hương Bắc Thành, Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên, Tổng đốc Hà - Ninh, Khâm sai tiếp sứ nhà Thanh, Bố chánh sứ Hà Nội….
Thời gian gắn bó với Bắc Thành và Hà Nội, Lê Đại Cang được ba triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị tin tưởng giao giữ nhiều trọng chức, và ông đã có những cống hiến trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, binh bị, đê điều, thư bạ, khảo thí, ngoại giao ….
Gần 20 năm cống hiến cho vùng đất cổ Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, là thời gian đường thăng quan tiến chức của Lê Đại Cang “thuận buồm xuôi gió”. Thăng Long - Hà Nội không chỉ để lại cho Lê Đại Cang những năm tháng vinh quang của cuộc đời hoạn lộ, mà còn ghi nhận một thiên tình sử nồng nàn của ông với vị Quận chúa xinh đẹp xứ Kinh Bắc - Quận chúa Lê Ngọc Phiên, cháu nội vua Lê Hiển Tông, cháu của Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Mặc dù là vợ thứ, nhưng Quận chúa Lê Ngọc Phiên đã cùng ông vào Nam ra Bắc, chịu mọi gian truân khổ ải, đầy sóng gió hoạn lộ của một vị quan cương trực, liêm chính.
Hội thảo “Lê Đại Cang với Bắc Thành và Hà Nội” với những tư liệu mới, cách nhìn mới và tư duy lý luận khoa học, tầm vóc nhân vật lịch sử Lê Đại Cang được đánh giá với cái nhìn sử học văn hóa toàn diện hơn. Nhân cách bậc quốc sĩ Lê Đại Cang không chỉ lưu danh trong sử sách, ông cần được tôn vinh rộng rãi hơn trong đời sống xã hội hôm nay và mai sau.
Ngoài việc nghiên cứu tôn vinh danh nhân lịch sử, Hội thảo sẽ rút ra những bài học quý giá, những bài học xưa nhưng không bao giờ cũ, về làm quan, làm người từ cuộc đời và sự nghiệp của Lê Đại Cang. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một tấm gương đẹp về một danh thần nhiều công tích, một bậc quân tử đại trượng phu, một nhân cách của bậc quốc sĩ, sẽ có tác dụng rất tốt đối với việc giáo dục nhân cách cho cán bộ công chức hôm nay và mai sau.
NGUYỄN THANH QUANG