Về việc lập lại di chúc
Hỏi: Tôi có người chị ruột ngoài 60 tuổi, hiện có một ngôi nhà do chị tôi làm chủ sở hữu. Chị tôi không lập gia đình, ở vậy làm ăn nuôi các em ăn học. Khi ngoài 30 tuổi chị nhận một đứa cháu gái gọi bằng dì ruột về nuôi từ nhỏ, đến lớn gả chồng. Cho vợ chồng cháu ở chung nhà để tiện bề chăm sóc chị. Trong lúc còn khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, chị tôi đã lập di chúc để lại ngôi nhà của chị cho cháu gái này. Nhưng, chẳng may sau đó một thời gian chị tôi bị bệnh nặng, đứa cháu gái này ít quan tâm, chăm sóc lơ là. Chị tôi phải nhờ em ruột và các cháu trai gọi bằng cô đến chăm sóc. Sau khi khỏi bệnh, chị tôi muốn hủy bỏ di chúc đã lập trước đây, lập lại di chúc khác, chia đều phần cho các cháu gọi bằng cô, bằng dì, có được không?
(Trần Thị Hoa, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn)
Trả lời: Theo quy định tại điều 640 Bộ luật Dân sự quy định về Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:
1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Về di chúc hợp pháp, tại khoản 1 điều 630 Bộ luật Dân sự quy định: Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Vấn đề bà hỏi, đối chiếu với các quy định nêu trên thì chị bà có thể hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Nếu chị bà lập di chúc mới thì di chúc trước đó bị hủy bỏ. Việc lập di chúc mới phải theo quy định tại khoản 1 điều 630 Bộ luật Dân sự vừa nêu trên.
B.B.Đ