Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không - bài học quý về nghệ thuật quân sự
Chiến thắng 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội “Điện Biên Phủ trên không” mang lại nhiều kinh nghiệm quý, nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự.
Chiến thắng 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội “Điện Biên Phủ trên không” không những mang lại ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn mang lại nhiều kinh nghiệm quý, nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự.
Đêm 18.12.1972, bộ đội radaz đã phát hiện và khẳng định chính xác B.52 vào đánh phá Hà Nội (trước 29 phút). Ảnh tư liệu
45 năm về trước, trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27.1.1973 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trung tướng Lê Vịnh, Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân, khẳng định: “Thắng lợi của chiến dịch phòng không tháng 12/1972 đã góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi của chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 là trận quyết chiến chiến lược đánh bại sức mạnh của Không lực Hoa Kỳ, thực hiện mục tiêu chiến lược của Bác Hồ là “Đánh cho Mỹ cút”, tạo thế và lực cho nhân dân ta hơn 2 năm sau đó tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đánh cho “ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc”.
Về phương diện quân sự, thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch tập kích đường không quy mô lớn với sức mạnh quân sự và tính hủy diệt cao của đế quốc Mỹ đã để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá trong việc bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Nếu chỉ so sánh tương quan thì khó có thể tưởng tượng lực lượng và phương tiện tác chiến của ta có thể đánh bại một chiến dịch đường không mà Mỹ đã huy động tới 1.077 máy bay các loại, trong đó có những loại máy bay hiện đại như cường kích, tiêm kích, không người lái, tàng hình… Đặc biệt là Mỹ đã huy động hầu hết các pháo đài bay chiến lược B-52 hiện có, với 197 chiếc để đánh phá Thủ đô Hà Nội.
Thế nhưng, chiến thắng đã thuộc về quân và dân ta. Sau 12 ngày đêm đánh trả quyết liệt, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 của Mỹ. Chiến thắng được ví như một “Điện Biên Phủ trên không”. Theo Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thắng lợi này đã để lại bài học cơ bản là sự chỉ đạo kịp thời, dự báo, đánh giá đúng tình hình để chủ động đối phó.
“Ngay từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo, sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội … Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Vì thế, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B-52 tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng, ta không bị bất ngờ, đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả tinh thần và lực lượng, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự và ngoại giao”, Trung tướng Trần Hanh nhớ lại.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu quân sự cũng cho rằng, nhiều bài học khác cũng được rút ra là bài học về ý chí quyết đánh và quyết thắng, về diễn tập làm chủ các loại vũ khí trang bị hiện có, về tổ chức, bố trí lực lượng, xây dựng thế trận phòng không – không quân khoa học. Thiếu tướng Vũ Văn Kha - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân, cho biết, 5 bài học cơ bản được rút ra từ chiến dịch này là: Thường xuyên nghiên cứu nắm chắc địch để giành thế chủ động đánh thắng địch; Tạo lập thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc, chuyển hóa linh hoạt kết hợp với phá thế địch; Xác định đúng khu vực tác chiến, đối tượng tác chiến chủ yếu; Tập trung bố trí lực lượng hợp lý trên các hướng chủ yếu và tổ chức thực hiện tốt hiệp đồng tác chiến.
Thiếu tướng Vũ Văn Kha cũng đặc biệt nhấn mạnh tới bài học hiệp đồng tác chiến chặt chẽ nhằm phát huy được tối đa khả năng chiến đấu của từng lực lượng, từng loại vũ khí trang bị. Đó là phối hợp giữa các lực lượng trong quân chủng và giữa quân chủng với nhân dân để tạo nên một lưới lửa dày đặc, một thế trận “thiên la địa võng” đón đánh và tiêu diệt hiệu quả lực lượng không quân hiện đại của Mỹ. Những bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị và sẽ tiếp tục được phát huy trong tình hình mới khi chuyển sang giai đoạn tác chiến điện tử.
“Pháo phòng không và dân quân tự vệ đánh các mục tiêu bay đột nhập ở các độ cao thấp, tốc độ nhỏ. Như vậy hiệp đồng làm sao vừa đánh được từ xa vừa đánh được tầm cao, tầm trung và tầm thấp. Đây là bài học từ chiến dịch 12 ngày đêm lực lượng phòng không, không quân mà chúng tôi rất quan tâm. Chắc chắn ngoài 5 bài học này, chúng tôi sẽ tiếp tục đúc rút để kết hợp lực lượng Phòng không – Không quân với các loại vũ khí hiện đại ngày nay để phối kết hợp, tạo thành sức mạnh tổng hợp, huấn luyện, thực hành huấn luyện để sẵn sàng để bảo vệ vững chắc bầu trời tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Thiếu tướng Vũ Văn Kha cho biết.
Thắng lợi của “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” là một mốc son góp phần lật giở trang sử nước ta sang trang mới: chấm dứt chiến tranh và toàn vẹn lãnh thổ. Sự kiện lịch sử này sẽ mãi mãi là niềm tự hào, niềm tin vào sức mạnh của trí tuệ, sự sáng tạo của con người Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ và gìn giữ Tổ quốc hôm nay.
Theo VOV