Từ ngày 1.1.2018: Chủ DN sẽ bị phạt tù nếu trốn đóng BHXH
Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1.1.2018, nếu trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, chủ DN có thể lĩnh án tới 7 năm tù.
Đây là chế tài cần thiết không chỉ đối với cơ quan bảo hiểm xã hội, mà còn là hành lang pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ) trong việc xử lý các DN vi phạm quy định về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Quyền lợi NLÐ bị... “bỏ rơi”
Ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh, nhận xét: Gần đây, các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định về BHXH đối với NLĐ có chuyển biển tích cực, quyền lợi NLĐ được bảo đảm tốt hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít DN chây ì, nợ kéo dài, thậm chí không thực hiện đóng BHXH khiến quyền lợi hàng ngàn NLĐ bị ảnh hưởng.
Phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu trốn đóng BHXH
Ðiều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, áp dụng từ ngày 1.1.2018) quy định người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLÐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; nếu còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm. Hình phạt này dành cho các đơn vị có hành vi vi phạm, phạm tội như: trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỉ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên,… Ngoài ra, Ðiều 216 còn quy định: phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm với các hành vi: trốn đóng bảo hiểm từ 50 đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 đến dưới 50 NLÐ.
“Nguyên nhân nợ BHXH mà các DN thường đưa ra là: Do kinh tế khó khăn, làm ăn thua lỗ, không có lãi hoặc hàng hóa không tiêu thụ được. Tuy nhiên, DN nợ BHXH đồng nghĩa với việc DN chiếm đoạt quyền lợi NLĐ. Bởi khi DN nợ BHXH thì các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, BHTN,… của NLĐ sẽ không được giải quyết”, ông Phạm Mai nhấn mạnh.
Thời gian qua, tình trạng NLĐ tìm đến các cơ quan chức năng, như: LĐLĐ tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, hoặc các tổ chức Công đoàn cơ sở để khiếu nại bị chủ DN “quỵt” tiền BHXH, BHTN, BHYT; đặc biệt là đối tượng thai sản, ốm đau,... diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, do những chế tài đối với các DN chưa đủ mạnh nên tình trạng trên vẫn tiếp diễn trong suốt thời gian dài.
Theo số liệu từ cơ quan BHXH tỉnh, tổng nợ đến 30.11.2017 là gần 358 tỉ đồng; trong đó, nợ BHXH hơn 143 tỉ đồng, nợ BHTN gần 5,7 tỉ đồng và nợ BHYT gần 209 tỉ đồng. Những DN “có tiếng” nợ đọng BHXH với số tiền lớn và kéo dài hiện nay phải kể đến các đơn vị như Công ty CP Xây dựng 47 nợ 15 tháng với số tiền gần 25 tỉ đồng của 1.127 lao động; Công ty CP 504 nợ 88 tháng với số tiền gần 8,7 tỉ đồng của 34 lao động; Công ty CP đường Bình Định nợ 7 tháng với số tiền trên 2,7 tỉ đồng của 304 lao động,... Ngoài ra, còn có cả trăm đơn vị khác đang nợ BHXH của NLĐ với khoản tiền không nhỏ.
Ðã có “thuốc đặc trị ”!
Giữa lúc các cơ quan chức năng trong tỉnh đang lúng túng tìm cách giải quyết tình trạng các DN nợ BHXH, dẫn đến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng thì luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 chính là hành lang pháp lý trong trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh hy vọng, khi Bộ luật Hình sự sửa đổi được thực thi từ ngày 1.1.2018, tình hình nợ đọng BHXH kéo dài, DN chây ì, trốn đóng sẽ được chấn chỉnh. Bởi mức xử phạt theo quy định mới tăng rất nhiều so với trước đây, với mức phạt rất cụ thể nên sẽ ràng buộc trách nhiệm của DN đối với NLĐ một cách hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nhận định: “Trước kia các hành vi trốn đóng BHXH cho NLĐ của chủ DN chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe. Nay, Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể xử lý hình sự. Chế tài nghiêm khắc thì tôi nghĩ việc chấp hành của các DN sẽ tốt hơn; quyền lợi NLĐ sẽ được bảo vệ chính đáng. Bởi lâu nay, nhiều đơn vị nợ BHXH không bị xử lý hình sự đôi lúc cũng chiếm dụng, chiếm đoạt quỹ BHXH của NLĐ, kể cả phần BHXH của NLĐ đóng góp thì DN cũng không nộp cho cơ quan BHXH. Khi NLĐ có phát sinh ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hoặc nghỉ hưu thì không được hưởng chế độ”.
Theo BHXH tỉnh, để luật phát huy hiệu quả, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BHXH tới chủ DN, NLĐ, thời gian tới, BHXH sẽ tăng cường thanh tra, hoặc phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện các đợt kiểm tra liên ngành theo chỉ đạo của UBND tỉnh tới các đơn vị sử dụng lao động nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý theo điều luật mới mà không cần phải khởi kiện ra tòa.
TRỌNG LỢI