Thứ trưởng Đặng Đình Quý: “Quan hệ Việt Nam - Lào là tài sản vô giá”
Cùng trải qua những thời khắc gian nan và vinh quang của lịch sử, mối quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu.
Mối quan hệ Việt Nam - Lào đến nay đã tròn 55 năm kể từ ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng trải qua những thời khắc gian nan và vinh quang của lịch sử, mối quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu.
Năm 2017, hai bên đã có nhiều hoạt động thiết thực để chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý trả lời phóng vấn báo chí về những thành tựu nổi bật trong Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào và vai trò của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát triển quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
PV: Thứ trưởng có thể đánh giá khái quát thành tựu nổi bật về quan hệ đoàn kết, đặc biệt toàn diện Việt Nam-Lào trong Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017?
Thứ trưởng Đặng Đình Quý: Năm 2017 là Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào cùng các sự kiện 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18.7.1977 – 18.7.2017) và 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05.9.1962 – 05.9.2017).
Thành tựu nổi bật của năm 2017 là việc hai bên đã tổ chức thành công hơn 200 hoạt động kỷ niệm từ Trung ương đến địa phương, trong đó có các hoạt động được phối hợp tổ chức ở cả hai thủ đô Vientiane (Lào) và Hà Nội (Việt Nam). Các hoạt động này đã góp phần giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tính chất đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam- Lào, đồng thời, khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ, phát huy mối quan hệ này phát triển hơn nữa trong tương lai.
Nhân dịp này, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Hợp tác Liên Chính phủ hai nước và các cơ quan liên quan, rất nhiều biện pháp cụ thể đã được triển khai nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước đạt được các kết quả thực chất. Về quan hệ kinh tế, các dự án kết nối về cơ sở hạ tầng, dự án kết nối về chính sách đã được chú trọng triển khai. Nhiều vấn đề còn tồn đọng lâu năm trong quan hệ kinh tế giữa hai nước đã được giải quyết dứt điểm.
Một nội dung khác cũng được đặc biệt ưu tiên là giáo dục đào tạo với hàng loạt biện pháp nhằm tăng chất lượng đầu vào của du học sinh Lào sang Việt Nam, đồng thời cải tiến chương trình, chính sách đối với du học sinh Lào để tạo đà, nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo đối với nguồn nhân lực cho Lào trong thời gian tới.
PV: Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước. Theo Thứ trưởng, mối quan hệ đoàn kết, đặc biệt giữa Việt Nam - Lào sẽ được gìn giữ như thế nào trong thời gian tới?
Thứ trưởng Đặng Đình Quý: Trong quá khứ, điểm đặc biệt và vô giá trong quan hệ hai nước được xây dựng bằng máu, nước mắt và sự hy sinh của bao thế hệ. Bên cạnh trách nhiệm đối với sự hy sinh của cha ông chúng ta, còn có sự gắn kết tự nhiên mà hai nước không thể bỏ được. Đó là 2.340 km đường biên giới nối liền hai nước có ý nghĩa trực tiếp đến an ninh của mỗi bên, đòi hỏi phải cùng được gìn giữ; là những lợi ích về mặt chính trị khi hai nước cùng có Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng tiến lên Chủ nghĩa xã hội; là việc hai nước cùng gắn bó trong “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng ASEAN”. Kể cả quá khứ, hiện tại và tương lai đều có những nhân tố đan xen lợi ích lẫn nhau giữa Lào và Việt Nam không thể bỏ được.
Ngoài ra, giao lưu nhân dân và sự tương đồng về văn hóa trên thế giới không có nơi nào gần gũi như Lào và Việt Nam, đó chính là tài sản vô giá.
PV: Thứ trưởng có thể nói đôi chút về vai trò của thế hệ trẻ, cầu nối cho mối quan hệ Việt Nam - Lào?
Thứ trưởng Đặng Đình Quý: Thế hệ trẻ đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Lào. Cái khó là thế hệ trẻ chỉ biết lịch sử qua những trang sách, lời kể, không có sự gắn bó máu thịt ở đó. Do đó phải làm sao để cho họ thấy được lợi ích gắn bó giữa hai nước, 2 dân tộc là bền vững, là mãi mãi.
Hiểu được câu chuyện đó mới thấy người bạn bên cạnh mình là đáng quý, sống trọn vẹn với quá khứ và với tương lai, lợi ích của chính mình. Nếu thế hệ trẻ không hiểu điều đó, mà họ chỉ thấy lợi ích từ quan hệ với nước giàu có hơn, văn minh hơn mà quên những người bạn thiết thân với mình, chia ngọt, sẻ bùi với mình, thì sẽ không có gốc và không phát triển được.
Ngoại trưởng Lào đã có buổi nói chuyện trong hơn 2 giờ đồng hồ tại Học viện Ngoại giao, sau đó sinh viên đã đặt 10 câu hỏi. Tất cả những câu hỏi đó đều thể hiện sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với nội hàm mối quan hệ đặc biệt, đối với tương lai mối quan hệ đặc biệt và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong duy trì và phát triển mối quan hệ đặc biệt đó trong tương lai.
Chính vì thế, hai bên cần tích cực tuyên truyền, giáo dục và giải thích trên cơ sở khoa học về nguồn gốc của mối quan hệ Việt Nam – Lào từ xưa đến nay đến thế hệ trẻ. Cũng như nội hàm của mối quan hệ đặc biệt trong bối cảnh bây giờ để họ thấy được lợi ích cũng như lý do quan trọng mà cả hai nước Việt Nam và Lào phải duy trì và tiếp tục mối quan hệ đặc biệt đó.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.
Theo Thu Hoài (VOV )