Phòng ngừa tiền sản giật - sản giật
Tiền sản giật còn được gọi là nhiễm độc thai nghén, hoặc tăng huyết áp khi mang thai. Huyết áp cao làm co thắt các mạch máu ở tử cung, khiến quá trình cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai nhi giảm. Bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng cho mẹ và thai nhi, đôi khi thầy thuốc cần phải can thiệp để kết thúc thai kỳ sớm.
Ngày 15.8.2013, chị Huỳnh Thị Ái Tâm - 30 tuổi, ở Phước Sơn, Tuy Phước - được đưa vào BVĐK tỉnh để sinh con thứ hai. Trước khi sinh, huyết áp của chị tăng đến 160/100mmHg (mức bình thường dưới 110/70mmHg), xét nghiệm nước tiểu cho thấy protein niệu mức độ nặng 3g/l. Chồng chị Tâm cho biết, do chủ quan nên chị không đi khám thai theo dõi huyết áp. Với trường hợp này, nếu không mổ lấy thai ngay có thể dẫn đến sản giật, nguy hiểm cho cả mẹ và con. Ca mổ thành công, cả mẹ và con đều tương đối ổn định, nhưng huyết áp của mẹ vẫn còn cao.
Trung bình mỗi tháng khoa Sản (BVĐK tỉnh) tiếp nhận 3-4 bà mẹ mang thai bị tiền sản giật - sản giật. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, có hơn 20 bà mẹ mang thai bị tiền sản giật - sản giật nhập viện.
Tiền sản giật được chẩn đoán ở phụ nữ mang thai khi có 3 triệu chứng: huyết áp cao (>140/90mmHg), phù, nước tiểu có protein niệu. Sản giật là biến chứng cấp tính của tiền sản giật, có kèm theo co giật và hôn mê. Tiền sản giật - sản giật thường gặp ở những người mang thai lần đầu, phụ nữ trên 40 tuổi, béo phì, chế độ dinh dưỡng kém, có bệnh thận mãn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp, thai trứng, đa thai, đa ối và có tiền sử tiền sản giật - sản giật.
Tiền sản giật - sản giật có thể làm người mẹ bị phù não, xuất huyết não - màng não, phù võng mạc, xuất huyết vùng dưới bao gan, suy tim, suy thận… Với thai nhi thì dẫn tới chậm phát triển, suy thai, tử vong chu sinh cao…
Khi bị tiền sản giật nhẹ, người mang thai cần nghỉ ngơi hợp lý, ăn nhạt, khám thai định kỳ 1 lần/tuần để kiểm tra huyết áp, chức năng gan thận, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm và đo sức khỏe tim thai nhi. Các bà mẹ có thể được hướng dẫn để tự đo huyết áp tại nhà, theo dõi cân nặng, tình trạng thai máy. Nên nhập viện để theo dõi và điều trị khi tuổi thai đã bước sang tuần thứ 37.
Các bà mẹ được chẩn đoán tiền sản giật nặng bắt buộc phải nhập viện, theo dõi huyết áp 2 lần/ngày, cân nặng và protein niệu, xét nghiệm công thức máu, chức năng đông máu toàn bộ, đánh giá chức năng gan thận, tình trạng trưởng thành phổi thai nhi… và tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định điều trị của bác sĩ.
Để phòng ngừa tiền sản giật - sản giật, các bà mẹ nên đi khám thai định kỳ (ít nhất 3 tháng/lần). Ăn nhạt, đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung canxi, vitamin D hợp lý; nên giữ ấm khi thời tiết lạnh, ẩm ướt và được nghỉ ngơi, chăm sóc tích cực trong thời kỳ hậu sản.
BS NGUYỄN HỮU TIẾN (Khoa Sản, BVĐK tỉnh)
Chúng tôi cảm ơn bác sĩ đã cung cấp cho độc giả hiểu biết thêm về nguy cơ đối với bà mẹ mang thai. Tuy nhiên, chúng tôi có thắc mắc là: tại sao huyết áp cao thì lại dẫn tới co thắt các mạch máu tử cung, dẫn tới thiếu oxy và dinh dưỡng cho thai nhi ? Theo suy nghĩ của người dân chúng tôi, thì: huyết áp cao, máu chảy mạnh trong mạch, mạnh đến nỗi vỡ mạch máu não ( người già hay bị tai biến kiểu này). Như vậy thì máu chảy mạnh, oxy và dinh dưỡng sẽ cung cấp cho thai nhi nhiều chứ ? Tại sao trong bài viết lại nói "thiếu" ? Phiền các BS vui lòng giải thích thêm cho dân hiểu ! Xin cảm ơn !