Giữ gìn bản sắc Việt qua việc dần đẩy lùi linh vật ngoại lai
Việc sử dụng, trưng bày, cúng tiến các biểu tượng, linh vật đã được nhân dân nhìn nhận, đánh giá lại một cách nghiêm túc, cẩn trọng, khoa học.
Ngày 20.12, Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của Bộ về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên, sau khi ban hành Công văn 2662, Bộ VHTT&DL đã nhận được sự đồng thuận của đại bộ phận quần chúng nhân dân. Nhiều công sở, nhà dân đã tự động di dời các biểu tượng, linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nhiều người đã tự trang bị kiến thức về lịch sử, thẩm mỹ truyền thống để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hoá theo xu hướng tìm về bản sắc dân tộc.
Các làng nghề mỹ nghệ đã chuyển sang sản xuất sản phẩm truyền thống. Hiện tượng cung tiến tràn lan vào di tích đã không còn, đặc biệt chấm dứt hiện tượng cung tiến mới tượng sư tử đá ngoại lại vào các di tích đã được xếp hạng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Công văn 2662 vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết.
Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) Trần Thị Thu Đông cho hay sau 3 năm triển khai, xã hội đã có những chuyển biến tích cực trong sử dụng biểu tượng, sản phẩm trang trí. Nhiều nhà nghiên cứu đã có bài viết, trao đổi trên các diễn đàn, phân tích rõ sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, loại bỏ yếu tố lai căng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cung tiến các biểu tượng, linh vật đã được người dân nhìn nhận lại một cách cẩn trọng, nghiêm túc, khoa học.
Tại các địa phương, nhiều di tích đã tự di dời, gỡ bỏ sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn đá kiểu Nhật Bản, lư hương đá, các đồ thờ, đồ trang trí không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích. Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc là những địa điểm nóng về việc bày, đặt biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp trong di tích nhưng sau 3 năm, tại các địa phương này, việc di dời đã cơ bản được làm tốt.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chia sẻ: “Là địa phương có khối lượng di tích lớn nhất cả nước, Hà Nội cũng đứng trước vấn đề có không ít hiện vật lạ, chưa phù hợp với văn hóa, mỹ thuật Việt Nam đã và đang hiện diện ở nhiều di tích. Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, ngay sau khi nhận được văn bản của Bộ VHTT&DL, TP. Hà Nội đã khẩn trương có các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện tới các quận, huyện, thị xã. Cùng với cả nước, sau ba năm thực hiện chủ trương không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật trái với thuần phong mỹ tục, việc trả lại không gian văn hóa thuần Việt cho các di tích trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến mạnh mẽ, góp phần khơi dậy ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc”.
Theo đại diện của ngành văn hóa tỉnh An Giang, về cơ bản, hầu hết các cơ quan, ban, ngành, ban quản lý di tích, các trường học và các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh An Giang đều chấp hành tốt tinh thần Công văn 2662, không du nhập, nhận biếu tặng các linh vật hay biểu tượng ngoại lai vào trong đơn vị của mình.
Các ban quản lý di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia hay quốc gia đặc biệt đều sử dụng các linh vật phù hợp với giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật của truyền thống văn hóa Việt Nam. Một số đình, chùa, miếu vẫn còn đặt các tượng lân, nghê, sư tử trước cổng di tích, tuy nhiên những điểm này là tín ngưỡng văn hóa của người Trung Hoa.
Đối với các trường hợp di tích, công sở, nhà dân tại tỉnh An Giang đang sử dụng, trưng bày biểu tượng, sản phẩm, linh vật lạ hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, sau các đợt tuyên truyền, phổ biến, vận động của các cơ quan chức năng cũng đã tự giác tháo dỡ, di dời các sản phẩm trưng bày không phù hợp.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thu Đông, vẫn còn một bộ phận người dân, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về văn hoá không phân biệt được biểu tượng, sản phẩm, linh vật có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Các sản phẩm bày trong di tích, nơi thờ tự, công sở theo quan niệm mang ý nghĩa tâm linh nên việc loại bỏ, di dời hết sức phức tạp. Một số địa phương, bộ, ngành chưa thực sự vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân di dời các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp. Việc xuất bản các sách giới thiệu về hoa văn, tượng, sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam còn thiếu, giá bán còn cao, chủ yếu đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, chưa đến được các làng nghề, nghệ nhân...
Thời gian tới, Bộ VHTT&DL vẫn sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tìm biện pháp vận động, cưỡng chế di dời biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam hiện còn bày đặt ở các cơ quan công sở nhà nước, các di tích và nơi công cộng.
Theo Nhật Nam (Chinhphu.vn)