Giữ dấu tàn phai…
Có những thứ cần gạn lọc vì sự tiến bộ, cũng có những thứ mất đi lại gây nuối tiếc. Tập sách Chân dung làng quê An Nhơn xưa (NXB Hội nhà văn, 2017) của Trần Duy Ðức với 65 tản văn, bút ký, dày gần 500 trang là một hành trình chất chứa bao nỗi niềm như thế với An Nhơn.
Có sách trên tay, tôi đọc ngay. Thú thật, ngón tay tôi đã dừng lại nhiều lần trên một trang sách nào đó, bởi bắt gặp điều gì đó rất đỗi gần gụi, thân thương. Đó là những bữa sáng đi học vội nhưng ấm lòng vì món cơm chan đường mật, hay thuở khó khổ bữa cơm độn sắn khoai nhưng gia đình ấm áp quây quần. Đó là những đêm soi ếch nhử lươn, bắt dế cơm mùa nước lũ, bắt cá đồng lấm lem bùn đất, là những ngày đắm mình trên dòng sông Côn ngọt mát nghe tiếng bủa lưới rì roạp, tiếng chuông chùa xa ngái vọng về… Rồi tôi chợt nhận ra, rất nhiều thứ cơ hồ đã chìm khuất trong nhịp sống hiện đại.
Tác giả Trần Duy Ðức sinh năm 1945, quê ở Nhơn Mỹ, An Nhơn, Bình Ðịnh. Tác phẩm đã xuất bản: Góp nhặt phù sa (Ký, tản văn, 2008), Hoài niệm (Thơ, 2011), Tìm lại dấu xưa (Ký, tản văn, 2014), Giọt nắng (Thơ, 2015).
Lần giở từng trang sách, người đọc lại thấy đất và người, phong vị của một làng quê xưa hiện lên, nó chân mộc mà đầy những ấm áp. Một sự nhớ, tiếc, cảm hoài hiện diện. Rồi đâu đó, lại thấy lòng mình như lắng lại khi đọc: Nỗi nhớ màu lam khói, Nhớ ngọn đèn dầu, Quê tôi một thuở dâu tằm, Ngọt ngào đường mật, Bánh bảy lửa, Tiếc cái giếng xưa, Còn đâu bến xe ngựa, Nhớ tiếng gọi đò, Hoài niệm mái tranh quê, Hai dòng gốm bên bờ sông Côn, Tâm sự với dòng sông…
Đọc tản văn, ký của Trần Duy Đức, những điều rất đỗi bình dị, chân quê ùa về một cách chân thật, tỉ mỉ. Ví như, chuyện đuổi muỗi ngày xưa, hiện lên chi tiết, hình nét. Ấy là: “lấy rơm vun như cái thúng hoặc cái nón úp giữa sân hoặc gần chuồng bò nơi có nhiều muỗi, rưới lên ít nước có trộn muối, rồi đốt lửa, lấy cái nón hoặc cây quạt lúa quạt qua quạt lại để khói tỏa ra nồng nặc xua đuổi muỗi”. Hay một nỗi nhớ đậm khắc: “Thời đó, sông Côn rất sâu và trong xanh, vô số loài cá trú ngụ và sinh sản, không chỉ ngư dân chuyên nghiệp mà rất nhiều người biết bắt cá bằng bủa lưới, vãi chài, giăng câu, câu bộ, đơm dẹp, đơm đó, úp nơm, đứng nhá… Tiếng gọi đò đêm khuya của khách lỡ đường hoặc người đàn bà trở dạ, rồi tiếng khua dầm gõ nhịp của ngư dân, tiếng kẽo kẹt của guồng xe nước, âm thanh ấy thật khó quên” (Chân dung làng quê xưa).
Dễ thấy, hồn cốt nét xưa, cảnh quan, con người, phong tục, phong thổ của An Nhơn một thuở đang nhòa nhạt dần ở đời thực nhưng lại hiện lên rõ mồn một trong trang sách của Trần Duy Đức. Nếu không có vốn sống, vốn văn hóa, độ dày trải nghiệm, không gắn bó máu thịt với quê hương thì khó lòng có những trang viết như thế. Cuốn sách không chỉ đẫm đầy cảm xúc của tác giả về An Nhơn xưa mà còn có thể xem như một biên khảo khá công phu về vùng đất An Nhơn. Có lẽ, cuốn sách là một sự giằng níu thời gian, giữ dấu phai tàn về những giá trị đang dần mai một…
VĂN PHI