Giữ nghề đan đát
Ông Mai Văn Lên, Chủ tịch UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), cho biết, hiện nghề đan đát ở địa phương khá phát triển, duy trì khoảng trên dưới 50 hộ làm nghề, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Gia Chiểu và Thanh Tú.
Theo nghề đan đát chủ yếu là người già, phụ nữ. Ảnh: K.C
Theo vợ chồng cụ Nguyễn Sen (86 tuổi) và Trần Thị Nhơn (78 tuổi), ở thôn Thanh Tú, thì nghề đan đát ở địa phương dường như đã ăn sâu vào máu thịt, theo kiểu cha truyền con nối. Tuy không khấm khá, giàu có gì, hầu như chỉ lấy công làm lời, nhưng nó giúp trang trải tiền chợ búa và nuôi các con ăn học. Trước đây, con gái, con trai mới 13, 14 tuổi đã biết những thao tác đan đát đơn giản, song lớp trẻ bây giờ ít mặn mà. Theo nghề chủ yếu là người già, phụ nữ; còn cánh đàn ông lo bươn chải làm thêm kiếm sống, thỉnh thoảng phụ giúp công đoạn chặt tre, chẻ tre hoặc lận, nứt…
Những người có kinh nghiệm thường làm hàng loạt các sản phẩm theo từng công đoạn rồi mới lắp ráp với nhau chứ không làm xuyên suốt từ đầu tới cuối một sản phẩm. Giá nguyên liệu đầu vào khá đắt đỏ, tre tầm 40.000 - 50.000 đồng/cây; sợi mây khoảng 12.000 đồng/kg. Tùy chủng loại và kích cỡ, mẫu mã, mùa vụ mà giá bán sản phẩm có sự chênh lệch khác nhau. Cụ thể, nia giá 150 ngàn đồng/cái; thúng dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/cái; sàng, dừng trên dưới 30.000 đồng/cái…
Hiện nay, các loại đồ nhựa dần chiếm chỗ, khiến đầu ra sản phẩm đan đát có phần khó khăn, đòi hỏi người làm nghề phải thực sự yêu nghề, cộng với sự nhanh nhạy, linh hoạt tìm kiếm, mở rộng thị trường. Tùy thuộc vào đặc tính vùng miền và mục đích sử dụng mà dùng nguyên liệu phù hợp. Ví dụ như những chiếc thúng tiêu thụ ở thị trường đồng bằng và các tỉnh Tây Nguyên để đựng nông sản, lúa thóc, cà phê… thì dùng sợi mây để buộc, đan; ở vùng biển dùng đựng hải sản, muối…, phải dùng dây cước để buộc nhằm đảm bảo sử dụng lâu bền.
Theo ông Mai Văn Lên, sắp tới, lãnh đạo địa phương sẽ có những chính sách hỗ trợ kịp thời, thành lập CLB đan đát nhằm thúc đẩy sự phát triển và duy trì ngành nghề truyền thống này.
KIM CƯƠNG