Vì sao khách quốc tế đến Việt Nam tăng kỷ lục
Lượng khách quốc tế đạt 13 triệu lượt được đánh giá là kết quả của cả một quá trình quảng bá, xúc tiến và tháo gỡ các điểm nghẽn.
Với những tín hiệu khả quan trong tháng 12, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết dự kiến ngành du lịch sẽ hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao khi thu hút 13 triệu khách quốc tế trong năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay với 30%. Tổng thu từ khách du lịch 2017 dự kiến đạt trên 500.000 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7% vào GDP.
Khách quốc tế đến Hà Nội năm 2017 đạt gần 5 triệu lượt.
Theo Tổng cục trưởng, kết quả này là nỗ lực của cả đất nước và ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm để tích tụ năng lượng, dẫn đến bước đột phá. "Chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam nhận được sự quan tâm, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng và Nhà nước như vài năm gần đây, đặc biệt là 2017, thông qua những nghị quyết, cơ chế chính sách, vừa phát huy được nguồn lực, vừa tháo gỡ những điểm nghẽn", ông Tuấn nhận định.
Phó tổng giám đốc HanoiRedtours, ông Nguyễn Công Hoan cho rằng điều này thể hiện rõ nhất ở chính sách nới lỏng visa cho khu vực Tây Âu, và áp dụng e-visa cho công dân 46 nước. "Việc miễn visa và cấp visa điện tử tạo ấn tượng tốt cho khách, cho họ cảm giác được chào đón khi đến Việt Nam du lịch".
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong thời gian qua cũng được đánh giá là sôi động, chủ động với nhiều đổi mới. "Năm 2017, Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC đã góp phần làm gia tăng lượng khách M.I.C.E trong cả năm. Sự kiện này như một đòn bẩy để Việt Nam đẩy mạnh việc quảng bá du lịch trong năm vừa qua", ông Hoan khẳng định.
Lãnh đạo ngành du lịch cũng chỉ ra sự năng động của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc định vị ra hình ảnh mới cho các điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long...
Bên cạnh hàng loạt khách sạn 5 sao là các khu vui chơi giải trí mang đẳng cấp quốc tế ra đời trên khắp cả nước. Hạ tầng du lịch Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển rõ rệt và đây cũng được các doanh nghiệp đánh giá là yếu tố thu hút khách. Ngoài ra còn có vai trò của ngành hàng không trong việc mở rộng các đường bay quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài đến Việt Nam.
Tổng giám đốc Vietravel, một trong những công ty đón khách quốc tế lớn nhất Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ, cho rằng một yếu tố quan trọng không kém khi năm 2017 được xem là giai đoạn bùng nổ về công nghệ mang tính kết nối và chia sẻ. Khách quốc tế càng ngày càng chủ động tìm kiếm thông tin du lịch, giá phòng, dịch vụ vé máy bay…với mức hợp lý nhờ vào công nghệ trên.
"Các thông tin về du lịch Việt Nam và dịch vụ hầu như được chia sẻ liên tục qua các ứng dụng, mạng xã hội…góp phần giúp du lịch Việt Nam gần hơn với tất cả khách quốc tế", ông Kỳ nhìn nhận.
Dẫn các báo cáo của thế giới, ông Kỳ cho rằng dòng khách quốc tế có xu hướng thay đổi điểm đến rõ rệt khi tình hình thế giới trong năm có nhiều biến động như nạn khủng bố và mất trật tự gia tăng ở các thị trường du lịch chính như Mỹ và châu Âu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được xem là đích đến an toàn và được khách nước ngoài quan tâm.
"Đây là yếu tố khách quan dẫn đến lượng khách quốc tế có xu hướng gia tăng mạnh ở các thị trường này. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá xếp hạng cao về mức độ an toàn cùng với giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần các phân khúc khách du lịch. Vì vậy, Việt Nam cũng là một lựa chọn đích đến thích hợp cho nhiều khách quốc tế trong năm 2017", ông Kỳ phân tích.
Lượng khách quốc tế tăng cao nhưng chủ yếu tập trung đến từ khu vực Đông Bắc Á, trong đó khách Trung Quốc chiếm 30%. Ông Tuấn cho biết trong năm 2018, ngành du lịch vẫn phải tiếp tục thu hút khách ở các khu vực gần, gồm cả ASEAN, đồng thời tìm nguồn khách mới ở các khu vực xa có thời gian lưu trú dài và chi tiêu cao. "Chúng ta phải đi trên cả hai trụ cột này, chứ không thể chỉ tập trung vào khu vực gần hay khu vực xa", ông Tuấn nói.
Theo Vy An (VnE)