Du lịch muốn thành công, phải đồng bộ
Ngành du lịch cần được cơ cấu lại bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bảo đảm phát triển bền vững, gắn phát triển với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường.
Các khách mời cùng nhau thảo luận về vấn đề cơ cấu lại ngành du lịch. Ảnh: VGP/Phương Liên
Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Bộ Chính trị ban hành được xem là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành du lịch. Bên cạnh đó, Luật Du lịch (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua vào ngày 19.6.2017. Mới đây nhất, ngày 6.10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW. Đây là những cơ sở, cơ hội để ngành du lịch Việt Nam tái cơ cấu, tiến đến phát triển nhanh và bền vững.
Ngày 22.12, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch” tại Hà Nội, để lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp... góp phần đề ra những ưu tiên đúng đắn trong quá trình tái cơ cấu ngành du lịch.
Các nội dung được Tổng cục Du lịch định hướng cơ cấu lại ngành du lịch bao gồm: Cơ cấu lại nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch; điều chỉnh hướng phát triển sản phẩm du lịch; điều chỉnh định hướng thị trường du lịch; cơ cấu lại doanh nghiệp, nguồn nhân lực và tổ chức, quản lý ngành du lịch.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng tái cơ cấu ngành du lịch phải triển khai đồng bộ tại tất cả các ngành liên quan như giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, hải quan… Tái cơ cấu ngành phải có lộ trình rõ ràng, trong đó xác định những nhiệm vụ, công tác ưu tiên để tập trung thực hiện. Trước hết, cần xác định đúng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa phương để thiết kế sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp. Đây là đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngành.
Sản phẩm du lịch phải mới, có nét đặc trưng riêng và có những phân khúc riêng hướng đến từng nhóm đối tượng khách khác nhau, trong đó tập trung hướng đến những đối tượng khách ở các thị trường có khả năng chi tiêu cao, như châu Âu.
Cũng theo ông Kỳ, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thể hiện rõ hơn nữa, nhất là trong các công tác quản lý, xử lý để bảo đảm môi trường du lịch. Môi trường du lịch còn là vấn đề bất cập chưa có hướng giải quyết triệt để, nạn ô nhiễm, tình trạng giao thông cùng các tệ nạn xảy ra tại các thành phố du lịch vẫn chưa giảm, an toàn thực phẩm chưa kiểm soát chặt chẽ. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch.
TS. Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, trước mắt, ngành du lịch cần đổi mới và đa dạng hóa phương thức xúc tiến du lịch theo mục cụ thể và đo lường được. Ví dụ như chi bao nhiêu tiền để xúc tiến, có bao nhiêu khách du lịch quốc tế mới… Về thị trường, cần khai thác tối đa tiềm năng các thị trường. Cần tăng thêm nguồn lực để thu hút khách du lịch từ châu Âu, châu Mỹ… Do đó, nên xem xét, miễn thị thực cho khách du lịch từ các thị trường tiềm năng, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, rà soát các quy định pháp luật về du lịch và dịch vụ liên quan, bãi bỏ các quy định không hợp lý, không còn phù hợp, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, cải thiện hơn quyền tự do kinh doanh du lịch. Và cần thay đổi cách thức quản lý nhà nước, coi các dịch vụ văn hóa cũng là dịch vụ du lịch, coi các sự kiện văn hóa là sự kiện phục vụ cho du lịch.
Theo Phương Liên (Chinhphu.vn)