Giữ gìn chợ nón Gò Găng
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chợ nón Gò Găng (khu vực Tiên Hội, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) - nét văn hóa độc đáo trong bản sắc văn hóa truyền thống Bình Định - đang đối mặt với nguy cơ mất đi. Đã xa rồi cái thời chợ nón Gò Găng giữ vai trò đầu mối quan trọng để tiêu thụ sản phẩm cho người dân làng nón ở các khu vực xung quanh. Chợ nón Gò Găng bây giờ chỉ còn một số ít người đến mua bán trong cố gắng níu giữ truyền thống.
Ông Phan Văn Tân, Trưởng khu vực Tiên Hội, cho biết: “Trước đây, người đến buôn bán ngồi kín chợ Gò Găng, chợ có khi họp từ 3 giờ đến tận 6 giờ sáng. Bây giờ, phần lớn người làm nón đã chuyển nghề khác, những người còn gắn bó với nón cũng tranh thủ đem nón đi bán vào ban ngày, chứ không sớm hôm vất vả ở chợ sớm mà thu nhập chẳng bao nhiêu”. Ông Tân trăn trở, cũng vì thế mà chợ nón Gò Găng giờ chỉ còn 20-30 người đến mua bán, thời gian họp chợ cũng ngắn hơn trước nhiều. Ngày càng thưa vắng nên không biết chợ nón Gò Găng còn tồn tại được bao lâu.
Chợ nón Gò Găng nếu bị “xóa sổ” sẽ là điều vô cùng đáng tiếc, nhất là khi sự mất đi của ngôi chợ độc đáo này không phải do sản phẩm làm ra không còn tiêu thụ được. Người ta không thể dậy sớm đến chợ chỉ để giữ lấy truyền thống, nếu truyền thống gắn với nghề mưu sinh ấy không đem lại những giá trị kinh tế.
Năm 2011, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam - Vietkings đã bình chọn chợ nón Gò Găng nằm trong “100 phiên chợ độc đáo ở Việt Nam”. Việc bình chọn được tiến hành dựa trên thông tin được cung cấp từ cộng đồng kỷ lục gia Việt Nam; Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố, các trung tâm xúc tiến du lịch, công ty du lịch; các website du lịch trong và ngoài nước… Đây là một trong những điều kiện quan trọng để có thể bảo tồn và phát huy giá trị chợ nón Gò Găng theo hướng đẩy mạnh khai thác phục vụ du lịch, tạo lợi ích kinh tế thu hút người mua bán đông hơn.
Song, điều quan trọng là chúng ta phải nghiên cứu cách khai thác du lịch hiệu quả, khai thác như thế nào để không đánh mất “phần hồn” mang tính chất tự nhiên, mộc mạc, thân tình của người mua kẻ bán khi đến chợ. Trước hết, cần đầu tư xây dựng, sắp xếp lại không gian chợ nón Gò Găng đẹp hơn, phục vụ tốt cho khách du lịch hơn chứ không chỉ mua bán tạm bợ ở vỉa hè, lề đường như hiện nay.
Chợ nón Gò Găng đã đi vào rất nhiều câu ca dao, tạo cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Vì vậy, nên thử lựa chọn một số phiên họp chợ để “thí điểm” tạo cảnh mua bán sinh động, gắn với các hoạt động nghệ thuật phụ trợ như triển lãm ảnh nghệ thuật, hát bài chòi, dân ca… Đồng thời, nghiên cứu tạo thêm nhiều mẫu sản phẩm nón phù hợp với kiểu quà lưu niệm để thu hút khách du lịch khi đến tham quan chợ nón Gò Găng.
MAI THƯ