Cuộc trùng phùng lịch sử
44 năm đã qua, kể từ ngày bước chân ra khỏi chốn lao tù, lần đầu tiên 655 cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài được gặp lại nhau đông đủ nhất tại chính nơi trước đây họ đã bị địch bắt giam cầm. Ký ức về những năm đấu tranh đau thương mà anh dũng của tuổi đôi mươi lại ùa về trong những con người nay đã bước qua tuổi xế chiều.
Ðau thương mà anh dũng
Bà Phạm Thị Dẻo (tên thật là Phạm Thị Vân, 68 tuổi, ở An Phú, An Giang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, luôn nhanh nhẹn, xăng xái trong đoàn cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài khi được đi tham quan tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại quảng trường Nguyễn Tất Thành và di tích Trại giam nữ tù binh Phú Tài (phường Trần Quang Diệu), TP Quy Nhơn. Bà Dẻo tâm sự, từ ngày được trao trả, đến hôm nay bà mới được quay lại nơi này. Khung cảnh nay đã khác xưa, nhưng những gì còn lại cũng đủ gợi nhớ trong bà những tháng ngày chị em cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau sống - chết, đấu tranh trực diện với những đòn roi tra tấn của kẻ thù để giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản.
Ngước nhìn Tượng đài Nữ tù binh Trại giam Phú Tài với hình ảnh 3 người phụ nữ đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam, đoàn kết bên nhau giật phăng xiềng xích, cụ Nguyễn Thị Quyết (82 tuổi, hiện sống ở 73 Vũ Bảo, Quy Nhơn) bồi hồi nhớ lại những năm tháng cách nay gần nửa thế kỷ. Trong giai đoạn đau thương mà anh dũng ấy, cụ Quyết được tổ chức giao nhiệm vụ làm bí thư chi bộ nhà tù. Chi bộ sau đó đã đoàn kết, tập hợp, kết nạp thêm nhiều đảng viên và nhanh chóng phát triển thành Đảng bộ với nhiều chi bộ trực thuộc, và cụ Quyết được giao trách nhiệm làm Bí thư Đảng ủy. “Tổ chức Đảng hoạt động trong lao tù luôn bị địch theo dõi, đàn áp nên phải hết sức khôn khéo, bí mật. Chúng tôi đã lãnh đạo chị em chống chủ trương “chuyển hướng” và phân loại tù binh cộng sản của địch; đấu tranh đòi địch phải giải quyết những vấn đề về dân chủ, dân sinh và giải quyết những hậu quả do chúng gây ra do quá trình dùng nhục hình, tra tấn tù binh; tổ chức cho chị em học văn hóa; vượt ngục… Khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi có được thuận lợi rất cơ bản, đó là, trong đấu tranh trực diện, phẩm chất cách mạng, tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của từng chị em được thể hiện rõ nhất, sinh động nhất. Qua đó, tổ chức có thể hiểu rõ bản lĩnh của mỗi người để chọn đối tượng bồi dưỡng, kết nạp đảng”.
“Kính đề nghị UBND tỉnh Bình Định tiếp tục đề nghị Đảng và nhà nước xem xét truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài, Cần Thơ và những chị em đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh trong nhà tù; đề nghị Bộ VH-TT xem xét, xếp hạng di tích Trại giam nữ tù binh Phú Tài là di tích lịch sử cấp quốc gia”
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lý, Trưởng ban Liên lạc cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài
Vào tù từ khi 16 -17 tuổi, bà Nguyễn Thị Nghĩa (69 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh), nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, bồi hồi xúc động khi về thăm lại nơi mình được trui rèn, thử thách bản lĩnh. Bà tâm sự, bà đã chờ đợi ngày này từ rất lâu rồi. Chị em cựu tù binh Phú Tài mười tám đôi mươi ngày nào nay tuổi cũng đã cao, nhiều người mang trong mình trọng bệnh, nên có thể đây là lần gặp gỡ sau cùng. “Tôi vô cùng biết ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định đã quan tâm tổ chức cuộc gặp gỡ lịch sử này cho chị em chúng tôi. Ai ai cũng vui, phấn khởi và xúc động lắm!”, bà rưng rưng. Từng tham gia công tác Đoàn Thanh niên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng; rồi làm Giám đốc Liên hiệp HTX mua bán TP Hồ Chí Minh (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart trong cả nước), bà Nghĩa đã vận động được một ít quà, đem ra Quy Nhơn gởi tặng một số chị em bạn tù có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật với mong muốn ai cũng có được cuộc sống an vui trong những ngày còn lại cùng gia đình, người thân.
Khắc ghi một bản hùng ca
Cùng với nhiều nhà tù trên khắp miền Nam, ngày 18.6.1967, tại thôn Phú Tài, xã Phước Long, huyện Tuy Phước (nay là phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn), địch đã xây dựng trại giam có tầm cỡ thời bấy giờ để giam giữ nữ tù binh cộng sản, đó là Trại giam tù binh Phú Tài. Việc phân loại nữ giới để giam riêng cho thấy âm mưu thâm độc và dã man của kẻ thù. Nơi đây, chúng đã giam giữ có lúc lên đến hàng ngàn nữ chiến sĩ cách mạng và sử dụng những hình thức tra tấn cực kỳ dã man, hòng lôi kéo, mua chuộc họ “chuyển hướng”. Thế nhưng, những nữ tù binh tại Trại giam Phú Tài đã không hề khuất phục. Các chị đã anh dũng, kiên cường đấu tranh, biến nhà tù thành trường học cộng sản, là nơi đào tạo các chiến sĩ tiên phong chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Ghi nhớ công lao của các nữ chiến sĩ cộng sản và để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận Trại giam tù binh Phú Tài là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2002; khởi công xây dựng di tích và Tượng đài Nữ tù binh Trại giam Phú Tài, hoàn thành vào cuối năm 2016. Phát biểu tại buổi gặp mặt cựu nữ tù binh Phú Tài thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng vô cùng xúc động, nói: “Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Định, tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các cô, các chị cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài, đã chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ, cống hiến trọn đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Xin chúc các cô, các chị chiến thắng bệnh tật, tiếp tục là biểu tượng cao đẹp vượt qua khó khăn của cuộc sống, giữ vững niềm tin, khí tiết của người cộng sản, tùy theo sức mình đóng góp cho sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
MINH QUANG