Chuyện về một nghệ sĩ “chân đất”
Tuổi thơ tôi gắn với hình ảnh của những người nghệ sĩ tuồng chân đất ở những dịp thanh minh, hội làng. Và thế, điệu bộ của những diễn viên ấy cứ ăn sâu vào tiềm thức, dẫu gương mặt có mờ nhòa. Minh Lưỡng là một trong những nghệ sĩ để lại ấn tượng khó phai với tôi như vậy.
Là ông bầu của đoàn tuồng Nhơn Hưng nhưng ít ai biết nghệ sĩ Minh Lưỡng còn là con của nghệ sĩ Hồng Lợi, một nghệ sĩ bài chòi nức tiếng thời trước. Thừa hưởng thiên hướng từ mẹ, nghệ sĩ Minh Lưỡng đã sớm bộc lộ khả năng trong nghệ thuật.
Đam mê từ trong máu
Là con nhà nòi, có tố chất tốt, năm mới 16 tuổi ông đã là chủ nhiệm CLB Nghệ thuật tuồng Kon Tum. 18 tuổi, ông đảm nhận vai trò phó chủ nhiệm kiêm đạo diễn đoàn tuồng Ngọc Linh của TX Kon Tum.
Nghệ sĩ Minh Lưỡng tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.
- Trong ảnh: Nghệ sĩ Minh Lưỡng và gia đình tham gia Liên hoan Gia đình văn hóa TX An Nhơn vào tháng 8 vừa rồi.
Rồi cũng vì niềm đam mê, vì nỗi nhớ quê xứ, nghệ sĩ Minh Lưỡng trở về mảnh đất quê hương An Nhơn (Bình Định) để tiếp tục thỏa sức. Khi hỏi về việc thành lập đoàn tuồng, ông cười bảo: “Việc tôi thành lập đoàn tuồng như người con gái có chồng mà hổng có duyên. Dở dang lắm!”. Năm 1980, sau khi trở lại Bình Định, nhờ tài năng và uy tín, ông được các đoàn tuồng tại Bình Định bấy giờ như Phước Bình, Suối Tre... mời hợp tác, nhận một chân lãnh đạo đoàn. Do có khả năng ngoại giao nên những đoàn tuồng này lần lượt ăn nên làm ra.
Ít lâu sau, ông được ông Từ Thiện ở TP Quy Nhơn nhận làm con nuôi, người bỏ của kẻ bỏ công xây dựng đoàn tuồng Trần Quang Diệu. Nhưng như tất cả những đoàn tuồng khác, có lẽ chưa “phải duyên” nên sự gắn bó vẫn chưa bền chặt. Năm 2005, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo phường Nhơn Hưng (bấy giờ còn là xã Nhơn Hưng), ông thành lập đoàn tuồng Nhơn Hưng, phát triển cho đến ngày nay.
Với nghệ sĩ Minh Lưỡng, sự học là không bao giờ dừng, chưa bao giờ đến đích. Hễ có cơ hội, thấy gì hay là ông học liền liền. Bài chòi và tuồng như hai loại hình nghệ thuật duyên nợ đi song song trong cuộc đời ông.
Nghệ sĩ chân đất chân chính
Nghệ sĩ Minh Lưỡng cho rằng, nghệ sĩ chân đất có cái hay riêng, đó là tự do và gần gũi với bà con nhân dân hơn. Cũng bởi chú trọng giữ gìn và phát triển tuồng chân đất, nên Nhơn Hưng là một trong số ít đoàn tuồng không chuyên có diễn viên trẻ như Diễm Thy (17 tuổi), Kiều Mi (28 tuổi) và dành đất diễn cho họ. Diễn viên Diễm Thy cho biết: “Hiện tại do tuổi còn nhỏ và chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi được tập luyện và diễn các vai đào nhỏ như vai Tấn Lực trong vở Phạm Công Cúc Hoa. Nhưng tôi được các cô chú động viên, dạy bảo rất nhiều để sẵn sàng cho tương lai”.
Không dừng lại ở đó, đoàn tuồng cũng quan tâm giúp đỡ các diễn viên gặp hoàn cảnh khó khăn. Nghệ sĩ Lệ Hoa, vợ của nghệ sĩ Minh Lưỡng, tâm sự: “So với tuổi của các đoàn tuồng không chuyên khác thì Nhơn Hưng khá trẻ, dù vậy đoàn tuồng chúng tôi được gọi cái tên rất có hậu là “dưỡng lão đường”, bởi lẽ những người gắn bó lâu năm với đoàn tuồng, dù tuổi đã lớn nhưng nếu họ có nhu cầu thì vẫn ở lại với đoàn”.
Khi bài chòi được khôi phục, nghệ sĩ Minh Lưỡng lại góp sức vào CLB bài chòi của Bình Định, “khăn gói” cùng đoàn đi lưu diễn nhiều nơi trong tỉnh. Cùng với đó, hiện nay, CLB bài chòi TX An Nhơn đang xây dựng vở diễn, sẽ công diễn vào dịp Tết dương lịch 2018, có phần đóng góp không nhỏ từ gia đình nghệ sĩ Minh Lưỡng.
Mà không chỉ nghệ sĩ Minh Lưỡng, tất cả các thành viên trong gia đình ông, khi có chương trình, từ cấp phường cho đến thị xã, đều hồ hởi tham gia. Bởi như ông tâm sự, thêm một lần tham dự là nghệ thuật truyền thống có thêm một dịp đến với công chúng.
“Bên cạnh việc giỏi hát bội, bài chòi, nghệ sĩ Minh Lưỡng còn có tinh thần nhiệt tình, sôi nổi với các phong trào của địa phương. Ở góc độ một nghệ sĩ, anh cống hiến cho địa phương rất nhiều”, ông Từ Văn Minh, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX An Nhơn cho biết.
THẢO KHUY