Dưới mái nhà đoàn kết
Luôn phát huy mối đoàn kết lương - giáo thắm nghĩa đượm tình, giúp đỡ nhau trong mưu sinh và tích cực hưởng ứng các phong trào ở địa phương, các giáo dân trong tỉnh đã nêu cao tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”, góp sức dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.
Lao động nữ lương - giáo cùng làm việc tại Cơ sở may của chị Nguyễn Thị Cung Hằng.
Lương - giáo đùm bọc
Hơn 10 năm trước, chị Nguyễn Thị Cung Hằng - giáo dân Giáo xứ Chính Tòa (TP Quy Nhơn) quyết định mở cơ sở may công nghiệp. Hai bàn tay trắng, không có vốn đầu tư, chị phải đi vay mượn bà con, bạn bè, bán ít vàng cưới để mua 3 bàn máy may, tuyển 4 công nhân vào làm việc. “Mặt hàng chủ yếu là đồ thể thao theo mùa. Công việc ban đầu thuận lợi, làm được bao nhiêu, tiêu thụ bấy nhiêu. Với số vốn tích lũy được, tôi bắt đầu mở rộng cơ sở sản xuất, nhận thêm công nhân”, chị Hằng kể.
“Hoạt động của chúng tôi hướng ra bên ngoài, giúp cho bà con lương dân nhiều hơn. Ðó cũng là cách thực hiện lời Chúa dạy - hướng về những người cùng khốn”
Mục sư NGUYỄN NGỌC BÌNH - Quản nhiệm Hội thánh Tin lành khu 6
Hiện nay, cơ sở may của chị Hằng ở số 19 Trần Huy Liệu giải quyết việc làm cho 19 lao động nữ, trong đó người có đạo chiếm chừng 1/3. Với các công nhân ở Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn…, chị bố trí chỗ ở ngay tại nhà mình. Cách đây 4 năm, bỏ việc ở TP Hồ Chí Minh, chị Trần Thị Cam (ở KV 3, phường Lê Hồng Phong) về Quy Nhơn lập gia đình. Trong một lần lang thang tìm việc, chị hỏi thăm và được chị Hằng nhận vào làm. “Chị Hằng chỉ bảo tận tình nên tay nghề lên nhanh, bình quân mỗi tháng lương hơn 3 triệu đồng, ngoài ra còn có suất ăn trưa miễn phí. Ở đây mọi người như chị em, chẳng bao giờ để ý ai có đạo hay không”, chị Cam vui vẻ chia sẻ.
Chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững chính là dấu ấn đặc biệt trong phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo trong tỉnh. Cộng đoàn các Nữ tu Dòng Phaolô Quy Nhơn hằng năm đã tổ chức các khóa dạy cắt may miễn phí cho trên 60 nữ thanh niên là người dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, Cộng đoàn các nữ tu Dòng Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ Quy Hòa vẫn duy trì, phát triển mô hình “Đoàn kết tương trợ giúp vốn sản xuất” cho gia đình bệnh nhân phong và giáo dân ở Giáo xứ Quy Hòa. Hiện có 21 nhóm đoàn kết tương trợ vốn thường xuyên sinh hoạt nền nếp hằng tháng; số tiền giúp vốn lên đến 900 triệu đồng cho 300 gia đình còn khó khăn về kinh tế. Của ít lòng nhiều, giúp nhau lúc ngặt nghèo nên ai cũng cảm kích.
Vì mục tiêu “tốt đời, đẹp đạo”
Một đặc điểm đáng chú ý trong đời sống tôn giáo ở Bình Định là các giáo xứ, giáo họ, hội thánh không sống theo khu dân cư riêng biệt. Lương dân, giáo dân cùng chung sống gắn bó trong cộng đồng. Vì thế, Mục sư Nguyễn Văn Thể - Trưởng ban đại diện Tin lành tỉnh, cho rằng, chăm lo cho giáo dân cũng là chăm lo cho đồng bào mình. Ngày nào cũng vậy, không chỉ bà con trong vùng, người dân ở Nhơn Thọ cũng tìm đến Hội thánh Tin lành Trung Ái (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) để lấy nước sạch. “Nhà nào cũng có giếng, nhưng nước bị phèn. Nhà tôi ở ngay sau trụ sở Hội thánh nên lấy nước tiện lắm”, chị Nguyễn Thị Trinh, ở thôn Trung Ái, khoe.
“Người Công giáo chúng tôi ai cũng muốn có cuộc sống, phần đời an vui, ấm no, thoải mái để sinh hoạt tôn giáo được sốt sắng hơn. Ngày càng thấy rõ ý nghĩa lời dạy của đấng bề trên, chúng tôi quyết tâm phấn đấu mặc lấy “Con người mới” theo mẫu mực của Ðức Kitô: sống bác ái đối với mọi người; hòa thuận và đùm bọc lẫn nhau không phân biệt lương – giáo”
Chị NGUYỄN THỊ CUNG HẰNG, giáo dân Giáo xứ Chính Tòa
Để duy trì bể lọc nước sạch này, định kỳ 6 tháng Hội thánh Tin lành Trung Ái phải bỏ ra gần 7 triệu đồng để thay than hoạt tính. Lắp đặt bể lọc nước sạch cũng là một trong những hoạt động hướng về cộng đồng của Hội thánh Tin lành Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn). 7 bể lọc nước sạch được lắp đặt ở các trường học và khu dân cư. “Ban giám hiệu các trường đều thống nhất với chúng tôi là tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sống gần trường vào lấy nước sạch để dùng. Tất cả đều là bà con, là đồng bào của mình mà”, Mục sư Nguyễn Văn Thiết - Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Nhơn Thành, từng là Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Bồng Sơn - tâm sự.
Ngoài công tác từ thiện xã hội, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cũng được các giáo xứ, giáo họ tích cực tham gia, với mục tiêu sống “tốt đời, đẹp đạo”. Từ mô hình “Họ đạo Hòa Cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội” đến nay đã được nhân rộng đến nhiều giáo xứ, giáo họ ở Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân. “Nhờ vậy, những nơi có đông đồng bào Công giáo sinh sống thường được đảm bảo về mặt ANTT, an toàn xã hội. Các vụ việc nghiêm trọng ít xảy ra, các vụ tranh chấp mâu thuẫn nội bộ đều được giải quyết bằng hòa giải tại chỗ, góp phần mang lại cuộc sống yên vui trong cộng đồng khu dân cư ở các địa phương”, Linh mục Võ Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, khẳng định.
* Ban Ðoàn kết Công giáo tỉnh hiện có 4 Ban Ðoàn kết thành viên: Bồng Sơn (gồm 6 giáo xứ: Gia Chiểu, Ðại Bình, Phù Mỹ, Phù Cát, Cây Rỏi, Ðại An), Kim Châu (gồm 8 giáo xứ: Kiên Ngãi, Phú Hữu, Sông Cạn, Trường Cửu, Cù Lâm, Huỳnh Kim, Kim Châu, Chánh Thạnh), Gò Thị (gồm 8 giáo xứ: Vườn Vông, Nam Bình, Vĩnh Thạnh, Gò Thị, Lục Lễ, Công Chánh, Tân Dinh, Tân Quán), Quy Nhơn (gồm 11 giáo xứ: Ngọc Thạnh, Phú Thạnh, Quy Ðức, Quy Hòa, Xuân Quang, Ghềnh Ráng, Quy Hiệp, Ðồng Tiến, Hòa Ninh, Chính Tòa, Hội Lộc).
* Hội thánh Tin lành tỉnh hiện có 8 Hội thánh Tin lành chính thức được công nhận: Trung Ái, Khu 6, Bồng Sơn, Nhơn Thành, Phú Phong, Bình Nghi, Phước Hậu, Quy Nhơn.
NGUYỄN VĂN TRANG